Sự kiện chiêm bái Xá lợi tóc là việc làm chính đáng, thể hiện sự hội nhập thế giới

Đăng bởi : Đức Vượng . Ngày : 2024-01-12 17:48:06
 

Trước những lùm xùm của dư luận về sự kiện chiêm bái Xá lợi Phật tại chùa Ba Vàng, TS. Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO quốc tế nhiệm kỳ 2009-2013) đã đưa ra quan điểm của mình.

Nhân dân, Phật tử chiêm bái Xá lợi tóc tại chùa Ba Vàng

Với tư cách là một Phật tử, cố vấn cấp cao Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Việt Nam, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: “Tôi đã nhận mình là một Phật tử, dù là Phật tử không phải của chùa Ba Vàng mà Phật tử của Phật giáo Việt Nam, của Phật Pháp thì tôi phải có trách nhiệm bảo vệ Phật Pháp đến cùng, cũng như với tư cách là một đảng viên Cộng sản bảo vệ Đảng đến cùng….”

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, cố vấn cấp cao Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Việt Nam, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Trên lập trường của mình, ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định: “Sự kiện chiêm bái Xá lợi tóc của Đức Phật ở chùa Ba Vàng lần này là vấn đề mà cá nhân tôi thấy rất khó hiểu. Theo suy nghĩ của tôi, đây là việc nên làm, nên diễn ra thường kỳ để nhân dân, Phật tử cả nước được chiêm bái những bảo vật của Phật giáo nói chung. Tôi cho rằng, Xá lợi Phật cũng là bảo vật của Phật giáo, là bảo vật của các quốc gia Phật giáo, trong đó, Myanmar cũng là một quốc gia Phật giáo”.

Việc chiêm bái Xá lợi tóc Phật nên diễn ra thường kỳ để nhân dân, Phật tử cả nước được chiêm bái những bảo vật Phật giáo

Bên cạnh đó, từ góc độ là người được tận mắt chiêm bái Xá lợi Phật tại chùa Ba Vàng, ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ quan điểm: “Việc trưng bày Xá lợi Phật ở chùa Ba Vàng là nghi lễ được tổ chức rất trang trọng, trang nghiêm, có các đoàn Phật giáo quốc tế, các vị cao Tăng của tu viện Phật giáo Parami ở Myanmar (nơi lưu giữ và bảo quản Xá lợi tóc của Đức Phật). Họ cung rước sang Việt Nam để cho nhân dân, Phật tử Việt Nam được chiêm bái. Điều này thể hiện niềm tin, sự kính trọng của Phật giáo quốc tế nói chung, Tăng đoàn của tu viện Phật giáo Parami nói riêng đối với chùa Ba Vàng và Phật giáo Việt Nam. Đó là việc rất bình thường. Thế nhưng, cá nhân tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy truyền thông chúng ta vào cuộc, đưa việc Xá lợi Phật trưng bày ở chùa Ba Vàng trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng.”

Xá lợi Phật được cung rước và trưng bày ở chùa Ba Vàng trang trọng, thể hiện niềm tin của Phật giáo quốc tế với Phật giáo Việt Nam

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, việc giúp nhân dân, Phật tử Việt Nam được chiêm bái Xá lợi tóc - bảo vật của các quốc gia Phật giáo (trong đó có Myanmar) là việc làm hội nhập với thế giới. Ông khẳng định: “Xá Lợi được cung nghinh từ tu viện Phật giáo Parami của Myanmar sang, chứ không phải của chùa Ba Vàng tự nghĩ ra, tự tìm kiếm để trưng bày. Đây là sự hợp tác trao đổi giữa hai cơ sở tôn giáo. Trong phạm vi như vậy, chúng ta hiểu không phải của Việt Nam mà do nước bạn đưa sang. Chuyện thờ tự cũng như cung nghinh Xá lợi Phật để nhân dân chiêm bái ở chùa Ba Vàng, theo quan điểm cá nhân tôi, là việc chính đáng cần làm theo truyền thống, nghi lễ của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo quốc tế. Đây cũng là văn hóa Phật giáo, là văn hóa dân tộc Việt Nam.”

Chuyện cung nghinh Xá lợi Phật để nhân dân chiêm bái ở chùa Ba Vàng, là việc chính đáng cần làm

Từ đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Theo tôi biết thứ nhất phía tu viện Parami đang rất phiền lòng. Họ rất trân trọng, quý mến, đánh giá cao tinh thần, thái độ của trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh. Vì sự kiện này mà Đại đức phải chịu những búa rìu của dư luận như vậy. Thứ hai, họ có tự ái không? Họ suy nghĩ tại sao làm việc thiện, làm hòa hợp tôn giáo như vậy lại bị phía Việt Nam nghi ngờ?”
Đồng thời, nhắc đến vai trò của Ban Phật giáo Quốc tế trong thời đại hội nhập thế giới, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, “Chúng ta đang hội nhập với thế giới, muốn cùng với thế giới hội nhập một cách ngang ngửa. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, chưa bao giờ chúng ta có một cơ đồ vị thế tiềm năng như hiện nay. Trong đó, Phật giáo Việt Nam đóng góp rất lớn cho chuyện này. Mà Phật giáo Việt Nam phải nói đến công lao rất lớn của Ban Phật giáo Quốc tế, đứng đầu là Thượng tọa Thích Đức Thiện (Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng Ban Phật giáo quốc tế).”

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng Ban Phật giáo quốc tế 

Cuối cùng, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn kết luận: “Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, đoàn kết tôn giáo là vấn đề rất quan trọng. Tôi nhớ trong một lần tôi được tiếp kiến Đức Pháp chủ - Hòa thượng Thích Trí Quảng tại thành phố Hồ Chí Minh, Đức Pháp chủ có nói, chúng ta phải nhấn mạnh hai chữ “đoàn kết” vì Bác Hồ đã dạy. Không những đoàn kết trong tôn giáo, mà chúng ta còn đoàn kết các tôn giáo với nhau; thì xã hội, thế giới mới phồn thịnh, phát triển. Tôn giáo với tôn giáo cũng phải đoàn kết với nhau trong nội bộ. Đức Pháp chủ rất nhấn mạnh điều đó. Tôi cho rằng, đây là định hướng chỉ đạo rất đúng. Chúng ta phải đoàn kết, vượt qua những cục bộ cá nhân, lợi ích nhóm. Hiện nay, lợi ích nhóm chúng ta đang đấu tranh rất mạnh để tìm ra những tiêu cực trong đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội.” 
Tóm lại, từ những phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chúng ta nên có những nhìn nhận toàn diện về sự kiện chiêm bái Xá lợi tóc chùa Ba Vàng để giữ gìn hình ảnh đẹp về người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập thế giới. 

Kính mời quý vị cùng đón xem toàn bộ quan điểm của Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn tại đây! (Link video)

https://www.youtube.com/watch?v=HeagMiFbM8U
Đ/V

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO