Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí và từng là biên tập viên của Báo Giác Ngộ nhưng anh Phan Văn Quyền (thôn 2, xã Quế Lộc, Nông Sơn) lại chọn khởi nghiệp với trầm hương - một sản vật của núi rừng Quảng Nam. Đến nay, sản phẩm của anh đã có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài như Dubai, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Pháp...
Anh Quyền ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với Tập đoàn Kings (Singapore).
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học - xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, năm 2015, Phan Văn Quyền làm việc tại Báo Giác Ngộ - Cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh.
Từ đây, anh Quyền được đến nhiều địa điểm tâm linh, tín ngưỡng. Ở mỗi nơi anh đến đều nghi ngút khói hương, trong đó có hương trầm - mùi hương được cho là gần gũi và thiện lành. Không chỉ ở Việt Nam, trầm hương được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trong khu vực như Myanmar, Singapore, Campuchia, Thái Lan...
Thế nhưng, với chút kinh nghiệm của người con Nông Sơn - một trong những nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của trầm hương Việt Nam, anh Quyền cho rằng, đa số trầm hương được sử dụng phổ biến hiện nay đều đã bị pha, chế biến hay thậm chí chỉ là hương trầm hóa học.
“Các địa điểm tâm linh, nơi nhiều người lui tới để cầu bình an nhưng hít phải những loại hương hóa chất thì sao mà bình an được. Nhưng thật khó để phân biệt thật giả với thị trường hiện nay” - một số vị cao tăng đã nói như vậy khi anh Quyền chia sẻ những gì mình biết về trầm hương.
Nghĩ lại cây dó bầu - nguyên liệu của trầm hương ở quê nhà, đa số người dân đang sử dụng để chế tác trầm cảnh, sản xuất vòng trang sức nhưng lại ít tập trung vào các sản phẩm đốt, nên Quyền bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về việc sản xuất nụ trầm, nhang trầm và công nghệ chiết xuất tinh dầu trầm hương.
Để khởi nghiệp từ trầm hương, từ các loại máy sản xuất bao bì, hạt nhựa, nghiền bột..., anh đặt hàng thợ cơ khí chế tạo máy sản xuất nhang trầm, nụ trầm bán tự động, rồi nghiên cứu máy ép dầu, chưng cất tinh dầu trầm hương nguyên chất.
“Mọi việc không như mình nghĩ, máy móc ban đầu còn thô sơ, kinh nghiệm phân loại nguyên liệu cũng còn hạn chế, thị trường không thực sự rộng rãi như mình nghĩ, nên khó khăn bủa vây ở giai đoạn đầu khởi nghiệp” - Quyền nói.
May mắn luôn đến với người có tâm, năm 2017, trước cơn sốt trầm hương tại thị trường Trung Quốc, người dân trong nước bắt đầu quan tâm tới sản phẩm này. Với thương hiệu “Mẫn Trầm Hương”, sử dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên 100%, mẫu mã đa dạng, các sản phẩm của anh Quyền nhanh chóng được biết đến rộng rãi. Trong đó, tinh dầu trầm hương - một sản phẩm cao cấp của anh đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Sau đó, thông qua các hội nghị triển lãm, kết nối kinh doanh trong và ngoài nước, anh trực tiếp ký hợp đồng xuất khẩu tinh dầu đi Dubai, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Canada, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... với gần 100 lít; đặc biệt là thị trường Dubai, những năm qua đã tiêu thụ của anh khoảng 30 lít với doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, tình trạng cấm biên ảnh hưởng nhiều tới việc xuất khẩu, vì vậy anh Quyền tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm và chăm sóc thị trường trong nước. Anh tối ưu công nghệ máy móc và liên kết với hơn 30 hộ dân trồng cây dó bầu ở Quảng Nam, đào tạo công nghệ nuôi cấy trầm vi sinh Nhật Bản không hóa chất để nâng cao chất lượng nguyên liệu trầm hương.
Khi thị trường trong nước đang dần được mở rộng và sản phẩm đa dạng hơn, thì một tín hiệu vui lại đến. Đầu năm nay, trong hội nghị kết nối thương mại đa quốc gia diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh, “Mẫn Trầm Hương” bắt đầu có lại những đơn hàng xuất khẩu tinh dầu trầm đi Ả-Rập-Xê-Út.
“Biên giới Trung Quốc cũng mở trở lại, tuy số đơn hàng còn ít nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho chúng tôi. Và đúng như dự đoán, sau dịch, khách hàng khó tính hơn trong khi chất lượng sản phẩm đã được nâng cấp trong thời gian qua, vừa đủ đáp ứng” - anh Quyền chia sẻ.
Bây giờ, khi nhìn lại chặng đường hơn 7 năm khởi nghiệp với một sản phẩm xuất phát từ quê nhà, Quyền nói trong cảm xúc tự hào: “Biết ơn những duyên lành đưa mình đến với trầm hương. Sinh ra ở xứ trầm nhưng phải đi một vòng rất lớn, mình mới lại trở về quê để tiếp tục mang trầm đi xa hơn. Thời gian tới, mình sẽ mở rộng liên kết với người dân và hướng tới nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Phan Vinh / báo Quảng Nam