Lịch sử làm giàu của người Việt Nam tại Sec

Đăng bởi : Thế giới doanh nhân Sao Việt . Ngày : 2022-08-15 16:34:37
 

Con người ai cũng tò mò muốn biết về thân thế, sự nghiệp của những người giàu có hay giỏi giang nổi tiếng chứ mấy ai muốn tìm hiểu về người nghèo. Ngay trên đất nước cộng hòa Séc (một phần của Liên bang Tiệp Khắc trước đây) trong cộng đồng người Việt hoặc người Séc gốc Việt, cũng có rất nhiều khuôn mặt khiến ta phải quan tâm.

PHẦN MỘT: 
MỞ ĐẦU
Với những người Việt, đã đặt chân lên mảnh đất này từ những năm 80 của thế kỷ trước và sau đó ở lại hoặc quay trở về đây ngay sau Cách mạng Nhung, sẽ dễ hình dung ra và dễ nhận ra "ai là những đại gia tên tuổi“.

Với thế hệ trẻ, ta cứ tạm gọi là thế hệ F2, họ khó mà biết được những điều này. Thực tế, người Việt đã đặt chân lên đất Tiệp Khắc từ những năm 50 của thế kỷ trước, tiếp theo Nhà nước (miền Bắc) Việt Nam liên tục gửi sang với số lượng hạn chế để học tập, tùy theo mức độ do Tiệp Khắc mở lòng. Sau năm 1975, số lượng người được gửi sang học nghề, học đại học, thực tập, làm phó tiến sĩ hàng năm cũng ở con số hàng trăm. Phải tới đầu năm 1980, khi hai nước Việt Nam - Tiệp Khắc ký kết hiệp định, theo đó trong vòng 5 năm (1980 1985) Tiệp Khắc sẽ nhận từ Việt Nam tới 40 ngàn lao động, từ năm đó thì con số người Việt nhập cảnh vào Séc lên tới hàng ngàn, thậm chí cả chục ngàn. Đỉnh cao đạt được vào cuối năm 1984 khi số lao động người Việt tại Tiệp Khắc ngót nghét lên tới 40 ngàn, cộng thêm khoảng độ 2 - 3 ngàn lưu học sinh, nghiên cứu sinh và công nhân học nghề. Những người Việt sang đây trước và cũng về trước 1980, nhìn chung, không có ai giàu cả. Như cánh sang học nghề, sau khi tốt nghiệp được ở lại làm việc trong nhà máy, công trường, nông trại độ 3-4  năm, được hưởng lương như công nhân Tiệp, họ chỉ dùng số tiền tiết kiệm được từ lương và học bổng để mua hàng đóng thùng“ gửi về mà thôi. Anh nào giỏi lắm được vài con xe máy (JAWA, BABETTA), vài chiếc hay, giàu thì vài chục chiếc xe đạp (Favorit, ESKA) và những đồ  lặt vặt khác. Tóm lại, họ đem về Việt Nam bán đi cũng mua được vài cái nhà mặt phố. Nhóm đi học đại học và đi nghiên cứu sinh, thực tập sinh thì nghèo hơn cánh công nhân kỹ thuật. Thêm chi tiết là sinh viên được nhận 800 korun học bổng/tháng, học sinh học nghề thì được 900, còn nghiên cứu sinh, nếu không nhầm thì tháng lãnh ngàn hai (1200). Để dễ hình dung cần thêm một thông tin toàn cảnh nữa: Kỹ sư mới ra trường được nhận lương từ 1950 tới 2200 Ku/tháng; công nhân học nghề tốt nghiệp thường "bằng xanh“ được công nhận thợ bậc 4 có lương tầm 2300 Ku, bằng đỏ được cho bậc 5 nhận tới 2500 Ku/tháng. Với công nhân thì còn phụ thuộc nghề họ làm. Lương cao nhất phải kể tới thợ mỏ, thợ mỏ u ran (ở Příbram chẳng hạn) có thể được nhận lương kèm trợ cấp độc hại lên tới 6000 Ku/tháng; thợ lái cẩu, thợ hàn lương tầm 3500 - 4500 Ku/tháng; thợ cơ khí khác (tiện, phay, bào, mài) hay lái máy kéo nông nhiệp, thợ sửa chữa lương thấp hơn, chỉ từ 2500 - 3000. Thu nhập thấp nhất vẫn ở khu vực nông nghiệp và thương nghiệp, chính thức thì họ chỉ được nhận tầm từ 1500 - 2500 mà thôi. Lương giám đốc các công ty, xí nghiệp tầm độ 5000 - 6000, tất nhiên các "đại công ty“ thì lương có thể tới 10000 Ku/tháng.

Tất nhiên, đã gọi là xã hội chủ nghĩa "thì làm nghề nào, ăn nghề ấy", lương thấp thì phải "tìm cách bù vào“. Thợ nông nghiệp thì "ăn cắp nông sản“, thương nghiệp thì "dấm dúi bán hàng chui“, tức là những loại hàng khan hiếm, khó kiếm sẽ được họ "giữ lại để bán cho người quen hay những người móc ngoặc" kiếm thêm tiền chênh lệch. Ví dụ, vào năm 1983/1984, bao thuốc lá SPARTA, vỏ cứng (sản xuất ở Bratislava), giá chính thức 8Ku/bao, được bán "dưới gầm bàn“ với giá từ 10 - 14 Ku/bao, còn loại vỏ mềm, sản xuất tại Kutná Hora thì mua bằng nguyên giá thoải mái. Ta cũng nên biết chút ít về giá cả khi đó (tạm cho là tới năm 1989, tuy có xê dịch vài%): Bia Plzen 12độ, giá 2,8 Ku/cốc 0,5 lít; bia 10 độ giá 1,8 Ku/0,5l; Món ăn truyền thống của Tiệp, Vepřo knedlo zelí (bánh mì hấp ăn cùng thịt ba chỉ bỏ lò kèm dưa bắp cải muối chua) hay xuất Řízeks bramborem ở quán hạng hai có giá tầm 12 Ku, quán hạng ba giá độ 10 Ku. Xe đạp Favorit giá từ 850 tới 1350 Ku (tùy loại nam nữ hay xe đua thể thao), xe đạp ESKA, giá từ 700 tới 750 Ku, xe máy Babetta giá từ 1900 tới 2500, xe máy JAWA hay ČZ 350, giá từ 3000 tới 4000, xe ô tô ŠKODA mác 105, giá khoảng 30 000 (đặt mua chờ độ 3 tháng mới có xe), xe LADA (của Liên Xô), giá tầm 50000 - 60 000, đặt trước "ít nhất 6 tháng“, xe Trabant hay Wartburg (của Đông Đức), giá cũng tầm 30 000 - 45000, cũng phải vài tháng mới nhận được xe. Xe "tư bản“ trước năm 1989, hiếm và đắt lắm, ít người có, loại FIAT 127 vớ vẩn (của Italie) cũng trên trăm ngàn. Các giám đốc Tiệp thường đi xe LADA, VOLHA, ông nào "to“ thì chạy xe TATRA 713 đã "kinh lắm rồi“. Khi dòng người Việt ồ ạt tràn vào Tiệp khắc từ giữa năm 1980 trở đi thì kèm theo nó mới là "các họat động buôn bán làm giàu“ của dân Việt tại đây. Tất nhiên, mọi hoạt động buôn bán khi đó đều là hành vi phạm tội theo luật định, có thể bị đi tù và kèm theo là trục xuất luôn!

Ở Tiệp Khắc những năm 80 có độ 5 trung tâm "buôn bán, chơi bời ngầm“ của người Việt mà nổi tiếng nhất có lẽ là hotel KOŠÍK (Praha 4), tiếp theo là Ubytovna của ČKD (Praha 9), khu nhà 8 ở Ostrava, bên Slovakia thì có thể kể tới Ubytovna cho công nhân Việt ở Komárno (cảng trên sông Dunaj Đanúyp). Cho tới cuối năm 1984, việc buôn bán của người Việt cũng chỉ quanh quanh mấy đồ vặt đem từ Việt Nam sang hay đánh từ Thái sang như son phấn, đồ lót, toàn dạng tạp phẩm. Lợi nhuận lớn mang lại cho giới nhà buôn Việt“ đầu tiên phải kể tới là ĐỒNG HỒ ĐIỆN TỬ. Đồng hồ điện tử, nếu bây giờ mà bạn cầm trong tay thì chắc chắn sẽ nghĩ rằng đó là loại "đồ chơi trẻ con“, vào những năm 80 đó cực kỳ HOT tại Tiệp Khắc này. Ai còn nhớ loại "Bảy bản nhạc“ ban đầu, kế tiếp là loại xịn hơn "mười mấy bản nhạc“ không?. Thường thì chúng được sản xuất tại Hồng Kông, Đài Loan và được dân buôn người Nam Tư (cũ) mua và "đẩy qua đường Áo sang Tiệp“. Lúc đầu do chưa có nhiều quan hệ, dân Nam Tư mới móc nối được mấy anh Xù mốc ở Komá rno, bán cho họ và họ lại tiếp tục "bán buôn cho người Việt khác“ và bán lẻ tiếp cho dân Tiệp. Số lượng giao dịch lúc đầu cũng ít thôi, thường vài trăm cái, có khi chỉ vài chục cái. Mấy anh Xù mua độ dăm ba cái, đeo hết vào tay và mặc áo dài tay che phủ. Khi gặp khách hàng người Tiệp, thường là những người đồng nghiệp trong nhà máy, công trường, chỉ việc vén ống tay áo lên để cho khách xem hàng và chọn hàng. Người lấy giá buôn với số lượng nhiều (hàng trăm cái), thì thường "mua vào giá 90-110 Ku/chiếc; bán ra giá từ 150 tới 200, thậm chí tới 300, tùy theo vùng miền“. Do lời từ đi buôn“ cao, có khi kiếm tuần bằng cả tháng nên khá nhiều công nhân Việt Nam bắt đầu bỏ việc để đi buôn“. Bỏ việc khi ấy cũng tinh vi lắm vì bỏ việc thật đồng nghĩa với việc bị cho về nước. Những anh/chị ma mãnh này đem chai rượu, hay cái đồng hồ điện tử chẳng hạn, biếu cho ông bác sĩ (của nhà máy) để xin cáI "giấy Ốm“, ít ra có nửa tháng hay một tháng để đi buôn.

Hết phần một

Tác giả: Ks. Nguyễn Kim Phụng

(Còn nữa)

Nguồn: https://vietnameuropa.eu/xem/lich-su-lam-giau-cua-nguoi-viet-nam-tai-sec.html

 

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO