(ceotoancau.vn) Từ ngàn xưa, chiếc áo dài được xem là một biểu trưng cho văn hóa và vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt. Trang phục “quốc hồn quốc túy” của dân tộc được các nữ doanh nhân điểm tô "làn thu thủy nét xuân sơn" giữa Sài thành hoa lệ, làm đắm say ánh nhìn của bao người vào ngày đẹp đầu năm 22/02/2024.
Ngày xuân duyên dáng tà áo ai
Vui quá hôm nay đẹp ngày này
Hạnh duyên hội ngộ cùng san sẻ
Hai hai không hai nhớ không phai
(Du Xuân, VH chúc mừng ngày đẹp du xuân “22.02.2024”).
Nét đẹp duyên dáng, hồn nhiên của các nữ doanh nhân trong ngày xuân Giáp Thìn.
Khởi nguồn từ chiếc áo giao lãnh bốn vạt ở thế kỷ 17, trải qua nhiều biến đổi, áo dài đã từng bước định hình và trở thành trang phục thịnh hành nhất đối với hầu hết phụ nữ Sài Gòn những năm 1960-1970.
Nắng xuân tô thắm áo dài
Gió xuân cuốn lấy trang đài dáng ai
Mắt cười lóng lánh sương mai
Má hồng lúng liếng thêm dài ước mong!
(Nàng Xuân, Ngô Dương Hải)
Bao nhiêu giọt nắng vừa hong
Bấy nhiêu môi thắm cho lòng người xiêu
Ngày xưa xưa chỉ một Kiều
Giờ đây nhiều lắm nàng Kiều ngẩn ngơ
(Nàng Xuân, Ngô Dương Hải)
Trang phục truyền thống còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ.
Với vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng và kín đáo của chiếc áo dài được thể hiện bờ vai tròn trịa, hai tà áo thướt tha kết hợp với những đường cong của người phụ nữ, nếp vải mềm mịn buông lơi thanh thoát, tạo nên sự cuốn hút nhẹ nhàng, quyến rũ. Có thể nói, đây không chỉ là trang phục truyền thống mà còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn tinh tế của người phụ nữ Việt.
Bao nhiêu trai tráng thầm mơ
Bấy nhiêu mơ ước đợi chờ sánh đôi
Trời ơi thương lắm bờ môi
Trời ơi dáng ấy cho tôi thẫn thờ.
(Nàng Xuân, Ngô Dương Hải)
Không đơn thuần là trang phục truyền thống, áo dài còn là nét văn hóa chứa đựng nét đẹp rất riêng của người phụ nữ Việt
Tết đến xuân về, ai ai cũng muốn mặc áo mới vui xuân, đón lộc đầu năm. Việc vận vào mình một chiếc áo dài không đơn thuần chỉ là việc chọn một bộ trang phục, mà còn là lựa chọn cho một nét văn hóa đồng thời duy trì, kế thừa truyền thống dân tộc.
Vẻ dịu dàng, đài các của người phụ nữ Việt Nam như được tôn lên thêm nhiều lần qua tà áo dài
Trong nhịp sống hiện đại, mỗi dịp Tết đến dường như là nốt trầm để chúng ta tìm lại và gìn giữ những giá trị xưa. Và tà áo dài mỏng manh ấy là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Vẻ đẹp áo dài tôn thêm nét duyên thầm mộc mạc nhưng quyến rũ của người phụ nữ Việt.
Qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm của lịch sử, áo dài Việt vẫn tồn tại cùng với thời gian, là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều nhà thiết kế, đặc biệt là các thi nhân.
Vẻ đẹp trong trẻo ấy như những đóa hoa sen vốn được coi là biểu tượng cho sự thuần khiết, thơm ngát.
Điều đáng ngạc nhiên, dù với vẻ đẹp thanh lịch, nền nã của tà áo dài xưa hay nét cách tân sang trọng, hiện đại của tà áo dài nay vẫn mang một niềm hoài cổ đến tận muôn đời về một nét đẹp của hồn Việt, đã và đang trường tồn vĩnh cửa, như gợi như mời tựa một lời chúc phúc đầu năm.
Cầu cho đào thắm má thêm hường
Uyên ương sum hợp mãi vấn vương
Loan phụng bén duyên tình chan chứa
Gia đình hạnh phúc vẹn yêu thương.
Cầu cho nam tử trọn công danh
Vững chí hùng anh nghiệp công thành
Tề gia trị quốc bình thiên hạ
Sách vàng kim cổ khắc tên anh.
Cầu cho bô lão mãi an nhiên
Dẫn dắt cháu con khắp mọi miền
Bảo ban đều tốt truyền gương mẫu
Thượng thọ vô biên sáng tiền hiền.
Cầu cho bé nhỏ mau lớn cao
Ăn khỏe hiền ngoan hiểu công lao
Dưỡng dục sinh thành thông hiếu đạo
Vươn mầm xây dựng nước non sau.
(Cầu Xuân, VH).
Hoa Nắng
(Người mẫu ảnh: Nam nữ doanh nhân tại TP.HCM)