Kiên Giang: Cựu chiến binh Kiều Văn Niết - Từ cậu bé nghèo khó trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Đăng bởi : Đức Vượng . Ngày : 2024-03-03 11:07:41
 

Cựu chiến binh Kiều Văn Niết, 73 tuổi, sinh ra trong gia đình nghèo khó, không có cục đất chọi chim và chứng kiến sự tàn ác của giặc Mĩ trên quê hương, ông nghĩ, không có con đường nào khác ngoài con đường tham gia cách mạng kháng chiến giải phóng dân tộc góp phần nhỏ bé của mình vào thắng lợi chung của Tổ quốc.

Cựu chiến binh Kiều Văn Niết, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 10 anh chị em tại xã Bàu Trai, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An trong một gia đình nghèo khó, không có ruộng đất canh tác. Năm lên 8 tuổi Cựu chiến binh Kiều Văn Niết phải đi ở đợ, cắt cỏ, coi trâu, mỗi năm nhà chủ trả cho 15 giạ lúa.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kiều Văn Niết tại buổi họp mặt đưa tiễn đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng, AHLLVT, AHLĐ dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Năm 1967, khi vừa tròn 16 tuổi, Kiều Văn Niết xin tham gia du kích xã làm giao liên xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, rồi chuyển sang đơn vị C15 bộ đội địa phương huyện Củ Chi với nhiệm vụ liên lạc của đại đội. Ngoài nhiệm vụ liên lạc, Kiều Văn Niết còn thâm nhập ấp chiến lược nắm tình hình địch, gài mìn, cắm chông chặn đánh địch, đưa cán bộ vào ấp tuyên truyền giáo dục đồng bào.

Sau ba tháng làm nhiệm vụ liên lạc, Kiều Văn Niết được đơn vị điều động sang vị trí chiến đấu. Từ đầu năm 1969 đến tháng 9 năm 1970, Kiều Văn Niết đã cùng với đơn vị đánh 18 trận lớn nhỏ, diệt 300 tên địch, 80 tên Mỹ, bắn cháy và hư 25 xe, trong đó có 10 xe tăng, bắn rớt 1 máy bay trực thăng, thu hàng trăm súng. Riêng Kiều Văn Niết diệt 08 tên Mỹ, 18 tên ngụy, trong đó có 1 tên Thượng sĩ ác ôn, bắn cháy 1 xe tăng, thu về 4 súng AR15.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kiều Văn Niết gặp gỡ, trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong các trận đánh, ông nhớ nhất trận đánh ngày 30 tháng 9 năm 1970. Trận đánh đó, Kiều Văn Niết được phân công đi với 01 tổ gồm các đồng chí Hai Dân, Chính trị viên phó đại đội làm tổ trưởng, đồng chí Vách, Trung đội phó làm tổ viên và Kiều Văn Niết, tiểu đội trưởng làm tổ viên vào ấp chiến lược Bàu Tre cổ đánh bọn biệt kích.

Ấp chiến lược này thuộc xã Tân An Hội gần thị trấn Củ Chi. Bọn biệt kích ở đây đêm nào cũng bung ra rình rập, theo dõi, phục kích cán bộ ta ra vào trong ấp tuyên truyền, vận động, gây cho ta nhiều tổn thất. Theo phương án đã định, tổ 03 người ém quân tại quán cà phê, bán đồ nhậu cặp lộ 22 phục kích bọn địch trên ấp chiến lược rút về đồn. Khi đến điểm phục kích thì bọn địch đã đến quán nhậu từ trước. Trước tình huống bất ngờ, mọi người nổ súng tấn công địch. Trong lúc chiến đấu, một quả cối rơi cách Kiều Văn Niết gần 5m, cánh tay phải trúng mảnh đạn cối phạt gần đứt còn dính lại 1 ít da, bị tê dại, khẩu súng văng ra, mặt mày Kiều Văn Niết choáng váng.

Cắn răng chịu đau, Kiều Văn Niết dùng tay trái nhặt khẩu súng khoác vào vai rồi lấy bàn tay còn lại nắm chặt vết thương trên cánh tay phải cho đỡ chảy máu rồi rút khỏi trận địa, tìm đến nhà một cơ sở là chị Tư nhờ băng hộ vết thương rồi tìm đường rút về căn cứ.  Vừa đi đường Kiều Văn Niết vừa tính khả năng sẽ lại đụng địch, cánh tay bị thương chưa đứt hẳn nên nó ngùng ngoẳng rất vướng víu, khó chịu, gây khó khăn nếu phải chiến đấu nên Kiều Văn Niết quyết định đặt cánh tay lên bờ ruộng dùng bàn chân trái đạp lên bàn tay bị thương rồi dùng bàn tay còn lại giật mạnh cánh tay bị thương cho nó đứt ra nhưng không đứt được đành để vậy đi về thì gặp đồng đội ở đơn vị đang đi tìm. Trận đánh này, Kiều Văn Niết tiêu diệt 3 tên, làm bị thương 2 tên, trong đó có tên thượng sĩ ác ôn.

Tại trạm phẫu thuật tiền phương ở ấp Bào Mây, xã An Tịnh thuộc quân y huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Kiều Văn Niết được giải phẫu cắt tháo khớp chỏ cánh tay. Trong thời gian điều trị vết thương Kiều Văn Niết tranh thủ học văn hoá, tập viết bằng tay trái, kéo nước, cuốc đất, trồng rau, tỉa lúa để sản xuất tự túc với đơn vị.

Khi được biết Huyện đội và quân y có ý định đưa Kiều Văn Niết ra Miền Bắc an dưỡng, tiếp tục học văn hoá để nâng cao trình độ thì chú đề nghị được ở lại chiến đấu cùng đơn vị. Trước sự quyết tâm của chú, Huyện đội đành điều chú về cơ quan huyện đội với nhiệm vụ làm đội trưởng đội liên lạc hỏa tốc. Từ tháng 2/1971 đến cuối năm 1974,  chú đã đi 22 xã trong toàn huyện và 14 cơ quan đưa các công văn, chỉ thị của Đảng, của huyện đội đảm bảo an toàn, bí mật, không bị xảy ra 1 trường hợp nào đáng tiếc.

Cuối năm 1974, huyện Củ Chi thành lập Trung đoàn Gia Định 2, danh hiệu “Trung đoàn Đất Thép”, trực thuộc Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, sau đổi tên Trung đoàn 2 an ninh vũ trang (bộ đội biên phòng ngày nay) với biên chế 3 tiểu đoàn (1-2-3 và trung đoàn bộ có cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, thông tin, trinh sát và đội nữ, quân số trên 1.800 quân). Đội thông tin hỏa tốc có 14 đồng chí do chú Kiều Văn Niết làm đội Trưởng, Đồng Văn Mùi (3 Mùi) làm chính tri viên.

Tháng 1/1976 đến tháng 3/1979, Đội trưởng Đội Thông tin Trung đoàn Kiều Văn Niết được đơn vị điều về làm trợ lý Thông tin, Ban tham mưu Trung đòan; chính trị viên C12, D4 của Trung đòan; làm trợ lý thanh niên Trung đoàn 2, Công an nhân dân vũ trang Miền nam ( Trung đoàn 2 Gia Định).

Tháng 4 năm 1979 đến tháng 5/1982 Trung đoàn làm nghĩa vụ quốc tế Cam pu chia, Kiều Văn Niết được Bộ tư lệnh Công an vũ trang cử đi học văn hóa tại Trường Văn Hóa II, Công an vũ trang huyện Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và được điều về làm trợ lý chính sách, phòng Tổ chức cán bộ thuộc Bộ tư lệnh Bộ biên phòng thường trực phía Nam.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân Dân Kiều Văn Niết, chia sẻ, khi thoát ly gia đình đi làm cách mạng, dù ở hoàn cảnh nào bản thân cũng phải luôn cố gắng không ngừng để vươn lên hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình để xứng đáng với phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kiều Văn Niết trong một chuyến công tác

Với những thành tích cống hiến trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, chú Kiều Văn Niết đã vinh dự được Đảng, nhà nước và quân đội tặng thưởng nhiều Huân chương các loại, gồm: 01 Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu Nước hạng II, 01 huân chương Quân công giải phóng hạng II, 03 huân chương chiến sỹ giải phóng 1,2,3; 03 huân chương chiến sỹ vẻ vang 1,2,3; 07 danh hiệu Dũng sỹ: 01 dũng sỹ diệt xe cơ giới, 02 dũng sỹ diệt Mỹ, 04 dũng sỹ Quyết thắng; 04 huy hiệu chiến dịch: Chiến thắng 1968, chiến thắng 1972, toàn thắng xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng; 01 huy hiệu “Vì thế hệ trẻ” và 04 huy hiệu Đảng: 30, 40, 45, 50 năm tuổi Đảng; 01 kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”; 01 kỷ niệm chương “Cựu chiến binh Việt Nam” và trên 30 bằng khen, giấy khen.

Đăc biệt, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam do Chủ Tịch Huỳnh Tấn Phát ký quyết định số 164/QĐKT, ngày 24 tháng 01 năm 1976, tuyên dương Cựu chiến binh Kiều Văn Niết danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân Dân”.

Cuối năm 1983, Chú Kiều Văn Niết xin Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chuyển về Ban tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang để vợ chồng được ở gần nhau, thuận lợi trong công tác. Năm 1992 chú nghỉ hưu, cư trú tại số 06 Chợ Tác Ráng, phường An Hoà, Thành phố Rạch Giá và tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Hưu trí TP. Rạch Giá với chức vụ Chánh Văn phòng Câu lạc bộ Hưu trí TP Rạch Giá.

Trương Anh Sáng

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO