Doanh nhân Lưu Thị Hạnh dâng lễ hầu đồng: nét đẹp văn hóa dưới góc nhìn tín ngưỡng

Đăng bởi : Bình Nhi . Ngày : 2024-03-06 21:57:25
 

(ceotoancau.vn) Năm 2016, UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể - một vốn quý của dân tộc được tiền nhân trao lại cho hậu thế.

Nét đẹp văn hóa tâm linh đặc sắc

Đền Đông Cuông (đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn) nằm ở xã Đông Cuông thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Khu du lịch tâm linh đền Đông Cuông được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 2009. Kiến trúc xây dựng đền Đông Cuông mang đường lối kiến trúc đền chùa thời Lý – Trần, được xây dựng quay về hướng Nam, có địa thế tựa vào hình sông thế núi. Tạ lễ đầu xuân Giáp Thìn trước rằm tháng Giêng cũng là thời gian rộn ràng của doanh nhân Lưu Thị Hạnh (1976) - tổng giám đốc công ty Dịch vụ và Thương mại Xây dựng Hoàng Phát, Giám đốc miền Nam công ty cổ phần tập đoàn TNT Vina dâng lễ hầu đồng ngay tại quê hương mình. 

Đền Đông Cuông ở tỉnh Yên Bái có địa thế tựa vào hình sông thế núi thu hút du khách thập phương.

Thực tế cho thấy, hầu đồng, hát chầu văn là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt, mang trong đó những giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc. Những hoạt động này mang tính nghệ thuật sân khấu đặc sắc. Trong đó, yếu tố tâm linh là sức nặng chủ yếu lôi cuốn khán giả. Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích, công đức của các Thánh.

Hầu đồng đòi hỏi công phu vì bao gồm cả ca, vũ, nhạc và lễ.

Loại hình nghệ thuật hầu đồng bao gồm cả ca, vũ, nhạc và lễ thông qua lời hát, tiếng đàn của cung văn mà hầu đồng mới có thể nhập đồng hiển thánh. Cung văn là những người phải vừa hát giỏi, vừa chơi nhạc khí hay và phải biết nhiều làn điệu để chuyển đổi linh hoạt cho phù hợp từng giá đồng. Bên cạnh nhạc khí chủ đạo là đàn nguyệt, cung văn còn có bộ gõ; thỉnh thoảng cũng có đàn nhị hoặc ống sáo. Nghệ thuật gõ thanh phách, thanh la và nhịp trống trong chầu văn rất tinh tế và độc đáo, đòi hỏi nhạc công phải có trình độ kỹ thuật điêu luyện. Chính vì vậy mà âm nhạc chầu văn mang tính chất sôi nổi, náo động khác hẳn với không khí nhịp điệu lúc trầm lúc bổng của ca trù. Hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ lên đồng mà còn được coi như hình thức ca nhạc dân gian vui tươi, lành mạnh; đan quyện cả yếu tố tín ngưỡng lẫn văn hóa.

Hầu đồng là một dạng thức tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Theo TS Nguyễn Đức Bá (Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hoá Tôn giáo): Năm 2016, UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể. Hầu đồng là một dạng thức sa man giáo xưa nay của nhiều dân tộc, nhiều đất nước trên thế giới, Đông Nam Á phổ biến và hầu đồng thì cũng là một dạng thức tín ngưỡng dân gian của người Việt. Theo khảo cứu tài liệu xác thực và ghi chép thì hầu đồng hình thành trong dân gian dưới dạng thức sơ khai, nhưng quy tụ đầy đủ để tạo nên hình thức hầu đồng thì khoảng cuối Lê đầu Nguyễn.

Dạng thức hầu đồng hội tụ rất nhiều yếu tố, ý nghĩa.

Từ giá trị đầu tiên là tri ân những người có công với đất nước, làng xã, nhân dân bản địa. Và đương nhiên khi tiến hành hầu đồng thì cảm xúc mà trong đấy lòng biết ơn và lòng cầu mong giá trị vị thần, thánh từ trong truyền thuyết, lịch sử, có công bảo vệ nhân dân, đấy là giá trị đầu tiên. Và ước vọng nguyện cầu được che chở, bảo vệ và mong cuộc sống bình an hạnh phúc, và giá trị thứ ba là để gắn với cảm xúc cầu mong, mong muốn đấy, ngoài giá trị chung người ta còn muốn giải tỏa lo toan phiền não trong cuộc sống hiện tại, người ta muốn đẩy mình vào một cảm xúc mới, không gian linh thiêng, tôn nghiêm, và người ta định hướng cuộc sống được các vị thánh thần che chở bảo vệ trực tiếp, muốn được gặp, nghe trực tiếp, muốn được hộ trì trực tiếp.

Lễ vật dâng Mẫu: Sơn Trang. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Huy Hùng (Nguyên giảng viên Trường Đại học Quốc gia): Trong đạo Mẫu là những tích ca ngợi những vị anh hùng dân tộc, người có công với đất nước và khuyến dạy lòng nhân từ bác ái, đấy là mặt tích cực, là cơ sở của đại đoàn kết, mà không đoàn kết thì không đánh được giặc xâm lăng. Quay trở về lịch sử dưới thời nhà Trần, ở hội nghị Diên Hồng, các bô lão một lòng khuyên đánh, mà nhà Trần ba lần thắng quân Nguyên - Mông. Thế thì người Việt Nam chúng ta ai yêu nước thương nòi, ai làm việc phúc, việc thiện thì được dân tộc thờ suốt và được phong Thánh. Các vị đấy đều hiển Thánh. Việt Nam ta có tứ bất tử, có Thánh Gióng, Sơn Tinh, Chử Đồng Tử và Chúa bà đệ nhất Tiên Hương Phủ Dầy là mẫu Liễu Hạnh. Mẫu Liễu Hạnh được tôn kính và khắp các đền đều thờ bà, bà còn có một tên gọi khác là Mẫu đệ nhất Thiên Tiên, uy quyền bậc nhất, cai quản trần gian, người dân bao đời một lòng một dạ tin như thế.

Hầu đồng – đức tin về cuộc dạo chơi của các thần linh

Nghi lễ hầu đồng còn gọi là Chầu văn, hát bóng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là một trong 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày nay, nghi lễ Chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) được tổ chức, diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc.

Nữ doanh nhân Lưu Thị Hạnh hầu giá theo giai điệu chầu văn.

Chầu văn có xuất xứ từ vùng Đồng bằng Bắc Bộ vào cuối thế kỷ XIX. Đây là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt. Trong đó, nghi lễ hầu đồng là tiết mục được nhiều người chú ý nhất. Trước khi hầu đồng, mọi việc phải được chuẩn bị kỹ càng, từ chọn ngày lành, tháng tốt; chọn nơi Đền, Phủ, Điện phù hợp; chọn bốn người hầu dâng; mời con nhang, đệ tử, quan khách; chuẩn bị lễ vật dâng cúng; trang phục, phụ kiện và không kém phần quan trọng là mời cung văn. Mấy ngày trước khi lên đồng, ông/ bà Đồng phải kiêng không gần gũi người khác giới; ăn đồ chay, thậm chí nhịn ăn, có trạng thái chay tịnh để giao tiếp với thần linh.

Sau các giá giáng đồng của Thánh Mẫu sẽ đến các giá nhập đồng của Thánh Hàng Quan.

Mở đầu các giá bao giờ cũng phải bắt buộc thỉnh mời Thánh Mẫu với lời lai thỉnh: “Đệ nhất tiên thiên, cung thỉnh mời đệ nhất tiên thiên”. Tuy nhiên, Thánh Mẫu thường chỉ giáng chứ không nhập đồng tức chỉ “đậu” xuống thân xác ông, bà Đồng mà không nhập vào thân xác, tấm khăn đỏ vẫn được phủ kín (hầu trùm khăn). 

Giá giáng đồng của Công chúa.

Sau các giá giáng đồng của Thánh Mẫu sẽ đến các giá nhập đồng của Thánh Hàng Quan. Đây là quan võ nên nhập đồng thường múa kiếm, long đao với dáng điệu uy nghi, mạnh mẽ sau đó ngồi hút thuốc, uống rượu và nghe cung văn hát bài chầu kể về sự tích, công đức các Quan:

“Sổ hội đồng, một tay Quan biên chép

Số mệnh trần gian,

sinh tử Quan chép biên

Ai mà hiếu thuận thảo hiền,

tu nhân tích đức

Quan lớn chép biên cho thọ trường”.

            (Văn chầu Quan Đệ Nhị)

Khi Thánh Quan “xe giá hồi cung”, chiếc khăn đỏ tiếp tục được trùm lên đầu ông, bà Đồng để chuẩn bị hầu đến giá hàng Chầu (Chúa).

Hầu đồng trang phục rực rỡ sắc màu và nhập đồng thường múa rất nhiều.

Phần lớn Chúa có nguồn gốc là người dân tộc thiểu số nên trang phục rực rỡ sắc màu và nhập đồng thường múa rất nhiều, từ múa quạt, múa xòe, múa chén, múa chèo đò, múa lắc chuông và đặc trưng, phổ biến nhất là múa mồi. Theo đó, cung văn đã nhanh chóng chuyển nhạc sang giai điệu rộn ràng, sôi nổi, vui tươi của các bài hát mang đậm bản sắc dân tộc: Mường, Dao, Tày, Nùng…

Giá hầu ông Hoàng Mười.

Sau khi Chúa thăng, đến giá hầu ông Hoàng. Lúc này, ông Đồng thực sự như một nghệ sĩ tài hoa bởi vừa đó thôi ca múa rộn ràng vậy mà giờ đây khi ông Hoàng nhập đồng lại nho nhã, sang trọng đến ngỡ ngàng. Sở dĩ như vậy bởi các ông Hoàng đều là quan văn nên phong thái cũng khác. Tiêu biểu nhất trong giá chầu ông Hoàng là ông Hoàng Mười:

“Trời sinh có Đức Hoàng Mười

Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai

Nền trí dũng bậc nhân tài

Văn thao võ lược tư trời thông minh”.

                                                 (Văn chầu Hoàng Mười)

Hầu đồng trước điện Ban Cộng Đồng của đền Đông Cuông. 

Dấu ấn của giá ông Hoàng là ông Hoàng thường “chấm lính, bắt đồng” cho Thánh Mẫu. ông Hoàng dùng chiếc hèo (hèo là một đoạn gỗ dài tầm 50 cm, đầu có buộc nhạc - PV) ném về phía một người trần nào đó để “chấm đồng, bắt lính”.

Giá hầu các Cô.

Tiếp nối giá ông Hoàng là đến giá hầu các Cô. Nếu như cung văn vừa tạm lắng chỉ còn tiếng nguyệt cầm để ông Hoàng thưởng thơ thì đến giá Cô, lúc này tất cả trống, phách, sáo, nhạc sóc đều được tấu lên rộn ràng. Giá hầu Cô tập trung nhiều hơn vào việc múa hát, ca ngợi vẻ đẹp các Cô. Nổi bật trong giá này là hầu Cô Chín có tài chữa bệnh:

“Sáng linh, chỉ thiên thiên thanh

Sáng linh, chỉ địa địa liệt

Chỉ huyết huyết tan

Chỉ tà tà tẩu

Chỉ bệnh bệnh không”.

                                   (Văn chầu Cô Chín)

Cuối cùng trong một buổi lễ hầu đồng, bao giờ cũng là giá Cậu. Theo quan niệm, các Cậu tuổi đều từ 1 đến 9 nên điệu bộ của ông, bà Đồng lúc này trở nên nghịch ngợm, khỏe khắn với các điệu múa như múa lân, múa sư tử... Khi Cậu thăng cũng là lúc buổi hầu đồng kết thúc.

Hầu giá Cậu.

Trong tam tòa Thánh Mẫu thì có ba Thánh nữ. Một vị thần cai quản dưới nước, một vị thần cai quản rừng, một vị thần cai quản trần gian. Một vị thánh coi về sông nước, tam sơn, tứ hải. Miền Bắc có nhiều hồ, trong Nam thì nhiều sông. Đức đại vương nhà Trần là một cung riêng không ai dám đụng chạm cả. Hầu Đức Đại vương trước, hầu hết vế nhà Trần mới sang vế tứ phủ. Những giá đồng, toàn những vị Thánh có công với dân tộc, như cô Bé dạy dân kéo gỗ rồi làm nhà, trồng trọt, cô Chín thì trị bệnh cứu người, cô Bơ chèo đò để cứu dân độ thế, các quan bảo vệ đất nước, quan Đệ Ngũ Tuần Tranh thì ngài xử nghiêm không tha kẻ gian, không oan người ngay chả kém gì Bao Công. Ngài bị vu oan là thông đồng với giặc nên ngài cởi thắt lưng ra bảo: "Thà thác oan còn hơn sống nhục", ngài tuẫn tiết để tỏ lòng trung với nước. Về sau ngài được minh oan…

Ngoài hầu đồng, các khu vực điện khác của đền Đông Cuông có rất đông người râm ran khấn nguyện cúng sao.

Một kết luận tương đối được đưa ra: người có căn là người có tính cách giống với tính cách đặc trưng của một vị thánh nào đó trong điện thờ tứ phủ. Ví dụ người mạnh mẽ, quyết liệt, có uy phong, có tính cách của các quan, nên có thể là có căn quan. Người tài hoa, phong tình có tính cách của các ông hoàng, nên có thể là có căn hoàng. Người yểu điệu, tinh nghịch, đanh đá có tính cách của các cô bé trên vùng thượng, nên có thể là có căn cô. Và theo niềm tin dân gian thì người có căn mà không trình đồng mở phủ thì sẽ bị cơ đày. Tức là sẽ bị ốm đau, bệnh tật, vất vả, truân chuyên trong cuộc sống. Dân gian tin như vậy nên theo dân gian, những người này phải trình đồng mở phủ để có cuộc sống ấm êm hơn.

Tác giả bài viết có duyên tham dự chương trình hầu đồng ấn tượng.

Bước khỏi thềm rằm tháng Giêng, lòng mọi người trở nên phơi phới mỗi khi nhớ lại những cung đàn, tiếng hát văn khi rộn ràng, lúc nỉ non, những điệu múa điệu đà, khoan thai, ánh mắt long lanh của nữ doanh nhân, âm thanh dìu dặt bổng trầm vang vọng từ đền Đông Cuông. Nhớ mãi mùa xuân cùng nữ doanh nhân tuổi Rồng hòa mình dưới những giọt mưa xuân lắc rắc bay, thưởng thức “đặc sản” rét đậm của vùng cao Yên Bái, chia nhau khoảnh khắc đắm mình vào chốn tâm linh đượm mùi nhang khói để tri ân các Thánh, cầu mong chút lộc bình an, yên vui, may mắn đến với bản thân, gia đình, bạn bè và du khách thập phương.

Bình Nhi tổng hợp từ internet 

Ảnh: Ngô Dương Hải

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO