Cần xây mái che tượng Phật tổ trên đỉnh hòn Tý, đảo Bình Hưng (Cam Ranh, Khánh Hòa)

Đăng bởi : Hoa Nắng . Ngày : 2021-12-08 00:25:13
 

(ceotoancau.vn) Nếu bạn yêu thích du lịch tâm linh mà chưa từng đến ngôi chùa linh thiêng Long Hưng tự trên đỉnh Hòn Tý, đảo Bình Hưng là điều vô cùng thiếu sót. Điều muốn nói là các công trình tượng Phật trên đỉnh đảo Bình Hưng đang thiếu kinh phí xây dựng.

Đảo Bình Hưng là một trong Tứ Bình, bao gồm đảo Bình Hưng, bán Đảo Bình Lập, Bình Tiên và đảo Bình Ba. Với vẻ đẹp hoang sơ và trong lành, Bình Hưng được mệnh danh là các tiểu Maldives của Việt Nam. Hòn đảo cách đất liền chỉ 1 km này còn gọi là Hòn Chút, Hòn Tý - một đảo nhỏ diện tích dưới 2 km2 thuộc xã  Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Vượt qua hơn 360 km từ TP.HCM, điểm đến của đoàn thiện nguyện là chùa Long Hưng - ngôi chùa của làng chài nổi tiếng linh thiêng trên đảo Bình Hưng. Đặc biệt, do chế độ kiểm soát nghiêm ngặt, hòn đảo này không có Covid viếng thăm.

BÌNH HƯNG TÂM XA

Trời mây thăm thẳm tầng cao

Bình Hưng đảo ngọc mời chào bước em

Thiên đường hạnh phúc êm đềm

Thả dòng lưu bút nơi miền trùng dương.

 

Người từ muôn hướng trăm phương

Ngày thương đêm nhớ vấn vương biển trời

Sóng xua cát bụi cuộc đời

Gió mơn man hát những lời thiết tha.

 

Công Tường vua cổ cùng ta

Trần Tâm bước nguyện gần xa nức lòng

Thanh Nhàn, Dương Hải hòa đồng

Chế Quang bước thiện theo dòng du ca.

 

Tường Vi cất tiếng ngân nga

Vườn Thiền nhớ mãi sư Hòa Long Hưng

Yến Nhi tấu khúc tưng bừng

Bích Trâm lời nhạc chúc mừng Quế Hương.

 

Sư thầy chùa Lá mến thương

Hai cô Vân, Ngọc vấn vương  nghĩa tình

Sen thơm ngát giữa bình minh

Non cao biển rộng thắm tình quê hương.

(Hoa Nắng, ngày 05/12/2021, đảo Bình Hưng, vịnh Cam Ranh).

Đảo Bình Hưng.

Đảo Bình Hưng: Thiên đường không Covid

Trong chuyến từ thiện phát 400 phần quà cứu trợ đồng bào Khánh Hòa gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19, đoàn thiện nguyện chúng tôi có dịp viếng thăm đảo Bình Hưng để phát 100 phần quà cho các phật tử nghèo của chùa Hưng Long. 

Hoàng hôn buông xuống đảo Bình Hưng bên vịnh Cam Ranh.

Chùa Long Hưng tọa lạc trên sườn núi, tựa lưng vào vách đá, mặt hướng ra eo biển, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Từng thành viên tha hồ căng lồng ngực hít lấy hít để không khí thanh khiết vô cùng sảng khoái, lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ và vị mặn mòi của biển cả quên đi tất bật chốn thị thành. 

NỤ HÔN CỦA GIÓ

Nồng nàn hương sữa đảo hoang

Bậc cao bậc thấp nắng loang xanh màu

Non xa thoáng bóng hoa đào

Yến chao cánh liệng dạt dào sóng xô.

Lang thang lánh cõi thành đô

Về miền sơn cước hư vô vườn thiền

Chuông ngân phủ bóng cô miên

Tóc vờn mây trắng sóng liền lời ru.

Đang đông cứ ngỡ rằng thu

Ngạt ngào hương biển chu du cõi trời

Quỳ bên chân Phật cao vời

Nụ hôn của gió chứng lời yêu thương.

Một là cho nghĩa tình vương

Hai là dâng cả thắm hường tình si

Ba là xóa lệ hoen mi

Nhắm mắt vững chãi bước đi bước về.

Non cao mưa phớt tứ bề

Đài trang dốc dựng lần kề tay đan

Không cầu danh lợi giàu sang

Truyện đời tan hợp qua trang an bình.

(Hoa Nắng, ngày 06/12/2021. Vườn Thiền, Núi Tý, Cam Ranh).

Nước trong xanh nhìn thấy tận đáy cá lội tung tăng giữa đám san hô. 

Cả đoàn trầm trồ ngắm làn nước trong xanh. Người lái thuyền cho biết: Vào mùa khô, khi các con sông hạn chế lượng nước đổ ra biển thì nơi này thấy cả cá nằm tận dưới đáy.

Nhìn từ xa, chùa Hưng Long hiện ra như bức tranh thủy mạc khổng lồ giữa mảng xanh ngút ngàn giữa đá và hoa lá chen nhau.  

Từ ngôi chùa cheo leo trên vách đá, bạn tha hồ hít căng lồng ngực không khí thanh khiết do thiên nhiên ban tặng.

Thiên nhiên trên đảo Bình Hưng hoang sơ, không khí trong lành, du khách có thể nhắm mắt để tận hưởng phút giây thư giãn đặc biệt.

Bước chân lên tàu, cảm nhận đầu tiên là sự bồng bềnh của sóng, lặng ngắm mây trôi đáy nước. Phương tiện độc đạo từ đất liền sang đảo chỉ có những chiếc tàu nhỏ đưa khách qua lại. Đò cặp cầu tàu, cả đoàn lần lượt bước chân lên đảo. Mọi người bị cuốn hút bởi nụ cười thân thiện, hiếu khách của người dân trên đảo. Cả đoàn thông thả xếp hành lý lên những chiếc xe điện thẳng tiến vào con đường nhỏ hướng về cổng chào nhỏ ghi chữ: chùa Hưng Long.

Tàu là phương tiện duy nhất đưa khách thập phương "nhập cảnh" đảo Bình Hưng.

Bước xuống tàu là không gian êm ắng của một bến tàu mùa đại dịch, không một bóng khách vãng lai giữa không gian khoáng đạt của hoàng hôn trên vịnh biển.

Xe điện ví như phương tiện "taxi" duy nhất để du khách di chuyển trên đảo.

Có thể nói, Hòn Tý như một Hoa Quả Sơn trong phim Tây Du Ký. Giữa tiếng sóng biển rì rào, cheo leo từng bậc đá nhân tạo trên sườn ngọn núi mọc lên cạnh biển. Chúng tôi đến cũng là lúc chuông chiều thong thả điểm. Trong mênh mang biển trời có không khí thanh tịnh cõi thiền, trong rì rào sóng biển có tiếng mõ cầu kinh. Thanh tịnh và vô ưu.

Chùa Hưng Long hướng mặt ra vịnh biển Cam Ranh.

Đường lên Vườn Thiền, chùa Hưng Long.

Trên đảo có nhiều nhà nghỉ nhưng tôi và một số thành viên trong đoàn chọn nghỉ trong chùa để tận hưởng không khí thanh tịnh giữa non cao. Ổn định nơi ăn ngủ tại phòng khách của chùa, cả đoàn lên thuyền ra vịnh thẳng tiến những làng bè nuôi hải sản bồng bềnh trên vịnh.

Nhà hàng trên bè nổi lênh đênh trên vịnh Cam Ranh cạnh Hòn Tý.

Tôm hùm đảo Bình Hưng.

Ốc mặt trăng đảo Bình Hưng.

Nhà hàng đặt trên một chiếc bè và thực phẩm tươi sống được vớt lên từ khu vực nuôi nhốt ngay dưới biển. Đêm ấy, cả đoàn tưng bừng tổ chức sinh nhật cho một thành viên trong đoàn. Biển đêm thật kỳ vĩ và yên tĩnh, chỉ có tiếng thì thầm cũng sóng vỗ và tiếng gió lướt qua vai. Mát rượi và thanh khiết.

Thưởng thức không khí trong lành trên nhà hàng nổi giữa biển đêm thanh tịnh, bí hiểm.

Sau một đêm yên bình nơi cửa Phật, kỳ thú nhất là giây phút hưởng làn gió mát và tầm nhìn bao quát về cảnh biển trời bình minh nơi hoang đảo. Phong cảnh hữu tình trong tầm mắt hiện ra ôm trọn một không gian xanh mát bao la, xa xa là những con tàu và dãy núi cuối cùng của Trường Sơn hùng vĩ. Không biết vô tình hay cố ý mà trên ngọn núi cuối cùng ấy, mẹ thiên nhiên lại tạo nên một dòng suối trắng như ải lụa mềm uốn lượn từ lưng chừng núi xuống chảy dài xuống biển.

CHUÔNG VỌNG BIỂN KHƠI

Đến với Bình Hưng nắng ngả chiều

Núi lồng trong nước bóng xiêu xiêu

Cheo leo bậc đá chênh vênh sóng

Nghe mõ xa xa rõ hỏi tiều.

 

Biển cao trời thấp chính là đây

Lữ khách đường xa dạ ngất ngây

Say nhìn hoa cỏ len khe đá

Chạm đất chân còn ngỡ ngàn mây.

 

Đảo Tí mọc lên giữa biển trời

Mênh mông con sóng gió trùng khơi

Thiền tâm tích phước muôn đời đợi

Phật toạ Long Hưng sáng rạng ngời.

 (Dương Hải, 05/12/2021. Kính tặng thầy Minh Hòa chùa Long Hưng - Đảo Bình Hưng)

Tượng Phật trên đảo Bình Hưng: Cần có mái che

Các tượng Phật của chùa Hưng Long trên đảo Bình Hưng cần xây dựng mái che.

Tác giả bài viết chạnh lòng nhìn những tượng Phật bị bong tróc phơi nắng phơi mưa trên đảo giữa biển khơi.

Đẹp và hùng vĩ là thế, nhưng chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn những bức tượng Phật tọa lạc tại các khu vực Vườn Thiền của Hưng Long Tự đang phai màu sơn do đã trải qua nhiều tác động của môi trường biển (nắng, gió, mưa, không khí mặn), một số bức tượng bị bong tróc, nhìn rất xót xa!

Cửa Vườn Thiền chùa Hưng Long có con đường dốc nhỏ lát đá sạch sẽ dẫn đến các khu vực đặt tượng Phật.

Trao đổi với chúng tôi, đại đức Minh Hòa – Trụ trì chùa Long Hưng cho biết: Đảo Bình Hưng có khoảng 500 hộ gia đình trong đó có 130 hộ nghèo. Do tình hình dịch Covid kéo dài nên năm nay đoàn chúng tôi là đoàn đầu tiên ra thăm đảo. Và cũng vì cách biệt về địa lý và an ninh thắt chặt nên qua mấy trận đại dịch nhưng đảo may mắn không hề có một ca nhiễm Covid nào.

Chỉ có khu vực thờ tượng Phật Quan Âm hướng ra biển có mái che kiên cố. Còn lại các tượng Phật ở các khu vực trên đỉnh núi đều chưa có mái che do thiếu kinh phí.

Nói về lịch sử hình thành dân cư và xây dựng chùa, thầy Minh Hòa cho biết: Trong quá trình di cư, sinh sống của nhân dân đánh bắt cá trên biển, nhận thấy hòn đảo nhỏ Bình Hưng còn hoang sơ, chưa có người sinh sống nên nơi đây trở thành nơi tránh gió, bão tố mỗi khi đi biển. Đây là mảnh đất hiền hòa nên dân đến định cư và lập làng từ những năm 1870.

Đại đức Minh Hòa - trụ trì chùa Hưng Long trên đảo Bình Hưng.

Hòn đảo này nằm cách cảng Cam Ranh 35 hải lý, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, điều kiện vật chất, dịch vụ vô cùng thiếu thốn, điện nước không có, hàng hóa, dịch vụ cũng thiếu thốn vì mọi thứ phải vận chuyển từ đất liền ra. Mỗi khi đến mùa biển động, nhiều khi cả 15 ngày mới có ghe từ đất liền chở hàng hóa ra.

Việc xây dựng chùa vô cùng khó khăn, tốn kém gấp nhiều lần so với đất liền.

Sư thầy cùng các phật tử chủ yếu xây dựng chùa bằng thủ công tay chân không có máy móc nên công trình chùa xây dựng còn sơ sài, không kiên cố. Phải đến giai đoạn năm 2013 – 2017, nhà nước mới mở đường ven biển, làm cầu cảng, dẫn điện và đến nay vẫn chưa có nước thủy cục. Nhưng cũng chính nhờ vậy, đường xá thông thương, khoảng cách giữa đất liền và đảo được rút ngắn, nhân dân các nơi biết về đảo Bình Hưng. Chính nhờ đó mà cuộc sống nhân dân đảo Bình Hưng khá lên trông thấy rõ, có thể sống nhờ du lịch tự túc ngoài nghề biển, nuôi trồng thủy sản.

Phải đến giai đoạn năm 2013 – 2017, nhà nước mới mở đường ven biển, làm cầu cảng, dẫn điện nhưng đến nay vẫn chưa có nước thủy cục.

Khi được chúng tôi hỏi về dự định sắp tới và mơ ước của mình, thầy cho biết: Hiện tại, chùa còn ba pho tượng Phật được phật tử cung tiến nhưng chưa có vị trí để đặt do không có kinh phí để xây dựng khuôn viên. Muốn làm mái che cho những tượng Phật trên núi, làm đường đi lên núi để bà con phật tử đến lễ phật khỏi phải cheo leo bậc đá. Ngày nắng còn lên được còn những ngày mưa thì không dám lên vì đá và đất rất trơn. Nói đến đây, sư thầy nhìn xa xăm rồi chợt tỉnh, thầy nói: “Bà con ở đây rất tốt, chỉ mỗi tội kinh tế không khấm khá gì. Mọi nguồn kinh phí đều trông chờ vào khách thập phương nhưng tình hình Covid này chưa biết đến bao giờ mới trở lại bình thường”.

Đại dịch Covid-19 khiến du khách thưa thớt trên đảo Bình Hưng. 

Trưa hôm ấy đoàn chúng tôi chia tay với đảo, thầy đưa chúng tôi ra tận cầu tàu. Tàu xa dần, ngoảnh nhìn lại tôi vẫn thấy thầy đứng đó trông theo, nổi lên trên nền xanh cây lá là hình ảnh những bức tượng dưới nắng đang phơi giữa gió sương. Giá có mái che và bóng mát cây bồ đề bên cái ngôi tượng Phật thì cõi thiền Long Hưng Tự sẽ là thiên đàng nơi trần thế.

Nhiều tượng Phật được các phật tử cúng dường cho nhà chùa nhưng nhà chùa vẫn không có kinh phí để đặt tượng và xây dựng mái che.

Không ai bảo ai nhưng bất chợt, một người trong đoàn đưa ra ý tưởng sẽ quyên góp tiền để giúp nhà chùa xây dựng khuôn viên đặt tượng, làm mái che cho tượng. Nhiều người gật gù ủng hộ. Hẹn gặp lại nhé, Bình Hưng thân yêu!

Dương Hải 

(Ký sự một chuyến đi)

PS:

Cây bồ đề giống Ấn Độ quý hiếm do Đinh Công Tường cúng dường sẽ được các mạnh thường quân trồng cạnh khu vực đặt mái che tượng Phật trên vách núi thuộc địa phận chùa Hưng Long, đảo Bình Hưng, Cam Ranh, Khánh Hòa.

Kỷ lục gia châu Á Đinh Công Tường phát tâm tặng chùa Hưng Long cây bồ đề giống Ấn Độ và ủng hộ một phần kinh phí xây dựng mái che. Để đủ kinh phí xây dựng, hiện Nhóm thiện nguyện đang tiếp tục vận động mạnh thường quân để chuyển tiếp cho chùa Hưng Long. Rất mong các phật tử mạnh thường phát tâm cúng dường cho chùa hoàn thiện công trình xây dựng mái che tượng Phật để Phật tử bốn phương có nơi thiền tịnh du lịch tâm linh mỗi khi có dịp. 

BTV Vi Hằng chịu trách nhiệm tiếp nhận tài trợ, tổng kết quỹ ủng hộ chùa Hưng Long xây mái che cho tượng Phật.

Thông tin tiếp nhận tổng kết chuyển tiếp cho đại đức Minh Hòa – Trụ trì chùa Hưng Long, đảo Bình Hưng, Khánh Hòa: Vi Mộng Hằng - STK: 0181003416506 tại Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Thủ Thiêm. 

 

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO