TP.HCM: Lễ Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông - Bà Chiểu)

Đăng bởi : Dương Ngọc Linh . Ngày : 2023-01-28 21:04:38
 

(ceotoancau.vn) Ngày 27/1 (mùng 7 Tết Quý Mẹo), đại diện các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương và đông đảo người dân có mặt tham dự Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt - nơi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cổng Lăng Đức tả quân Lê Văn Duyệt. Nguồn: Ban Quý tế Lăng.

Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 -1832), nhân vật khai quốc công thần của triều Nguyễn, vị Tổng trấn thành Gia Định rất đỗi uy linh của nhân dân miền Nam, Việt Nam. Ông đã lập nên nhiều chiến công hiển hách bằng tài mưu lược xuất chúng, là một trong những người góp công thúc đẩy việc khai khẩn, bảo vệ biên cương, mở rộng ruộng đất canh tác, phát triển kinh tế, thương mại và an định đời sống nhân dân Nam Bộ, biến vùng đất Sài Gòn - Gia Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của đất nước.

Khăn "Lộc" đầu năm. Ảnh: Võ Thị Mỹ. 

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng, nhân dân Nam Bộ nói chung đã tôn kính ông như một vị thần. Hình tượng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của cư dân Nam Bộ.

Nghi lễ Xây Chầu Đại bội tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - Mùng 7 Tết Quý Mẹo. Ảnh: Võ Thị Mỹ.

Lăng Ông trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ vị Thần điển hình của vùng Sài Gòn - Gia Định xưa và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, đồng thời nổi tiếng là một danh lam thắng cảnh hấp dẫn khách thập phương, đặc biệt là du khách quốc tế.

Cây nêu được dựng vào sáng 30 tháng chạp. Nguồn: Ban Quý tế Lăng.

Dựng nêu tại lễ Khai hạ - Cầu an ở Lăng Đức tả quân Lê Văn Duyệt. Nguồn: Ban Quý tế Lăng.

Lễ Thượng cờ vào sáng 30 tháng chạp trước mộ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Nguồn: Ban Quý tế Lăng.

Tại khu vực Lăng Ông hằng năm có hai lễ hội lớn: lễ hội Vía Ông và lễ hội Khai hạ - Cầu an. Trong đó lễ hội Khai hạ - Cầu an có nguồn gốc từ khi ông còn là Tổng trấn Gia Định thành và được nhân dân giữ gìn gần 200 năm qua, trở thành điểm nhấn của Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là năm đầu tiên Lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ban Quý tế tham dự Nghi lễ dựng nêu. Nguồn: Ban Quý tế Lăng.

Hàng năm, Lễ Khai hạ - Cầu An nhân dịp đầu Xuân bắt đầu từ 30 tháng Chạp với các nghi lễ Thượng cờ, Dựng nêu, Nghinh thần, Thỉnh lộc, chính lễ và kết thúc vào mùng 7 tháng Giêng với các nghi lễ: Hạ nêu, Khai ấn, Khai hạ, Phát lộc,.. tại khu di tích lịch sử Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Đây là hoạt động văn hoá dân gian đầu năm của người dân vùng đất Gia Định. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức cung đình Triều Nguyễn, gắn bó mật thiết với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống nhân dân, với mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thới dân an, cầu may mắn phước lộc cho mọi nhà, mang bình an, nhuận sắc cho năm mới.

Đại diện Cơ quan Ban ngành từ Trung ương đến địa phương tham dự Lễ Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Võ Thị Mỹ.

Lễ hội Khai hạ - Cầu an gắn liền với việc phục dựng lại những công việc thuở sinh thời ông từng làm như cuối năm dựng nêu ăn Tết; mang lại cho nhân dân Gia Định những lời chúc tốt lành; đầu năm khai ấn, hạ nêu và ban phát lộc cho người dân. Nghi thức ấy ở Huế do vua thực hiện, ở Nam Bộ do Lê Văn Duyệt thực hiện.  Kế thừa tinh thần yêu dân, khuyến thiện và đặc biệt là sự minh chính, ngay thẳng trong quản lý, các thế hệ lãnh đạo duy trì và thực hành lễ khai ấn - khai bút đầu năm.

Ông Đinh Khắc Huy _ Phó Bí thư Quận ủy,Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh khai ấn năm Quý Mẹo. Ảnh: Võ Thị Mỹ.

Việc khai ấn - khai bút vốn là một nghi thức hành chính của triều Nguyễn, đã vượt khỏi dấu ấn lịch sử trở thành di sản văn hóa dân gian. Lễ hội Khai hạ - Cầu an thu hút rất nhiều người tham dự, không chỉ là người địa phương mà cả khách thập phương cũng về dự lễ hội.

Ông Vũ Ngọc Tuất - Bí thư Quận ủy Bình Thạnh khai bút đầu năm Quý Mẹo. Ảnh: Võ Thị Mỹ.

Lễ hội Khai hạ - Cầu an cầu mong mưa thuận gió hòa, kỳ vọng một năm mới công việc được thuận lợi, nhà nhà được ấm no hạnh phúc; đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, dân tộc trong lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng và phát triển đất nước.

Đi lễ ngày Xuân tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Phan Hoa.

Phong tục xin ấn đầu năm của người dân vùng đất Gia Định. Ảnh: Phan Hoa.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, lễ hội Khai hạ - Cầu an được chính quyền địa phương, Ban Quý tế Lăng, người dân Sài Gòn và từ nhiều vùng xa xôi của đất nước đã đến Lăng dự lễ hội năm mới với tất cả lòng thành kính biết ơn Ông vì người dân xem ông như một vị thần. Ngày 4/4/2022, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức tả quân Lê Văn Duyệt được chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc Gia.

Võ Thị Mỹ

 

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO