Họa sĩ Hải Phòng kể chuyện vẽ tranh trên cơ thể mẫu nữ

Đăng bởi : Hoa Nắng . Ngày : 2020-11-24 17:07:21
 

Sử dụng cơ thể người làm toan vẽ với họa sĩ Đức Phạm là một cuộc chơi công phu, ở đó có sự cộng hưởng cảm xúc rất lạ kỳ.

Họa sĩ Phạm Minh Đức (Đức Phạm) sinh năm 1977 tại Hải Phòng. Anh là một trong những họa sĩ hiếm hoi của miền Bắc đưa trình diễn vẽ body painting đến gần hơn với công chúng. Khác với cách body painting thông thường làm trong studio, vẽ, chỉnh sửa rồi bán ảnh, Đức Phạm trực tiếp đứng trước khán giả và vẽ. Với anh, một họa sĩ cùng mẫu đứng trước đám đông là sự rũ bỏ, cởi bỏ, giải thoát khỏi mọi rào cản, đem lại cảm giác an tâm hơn về tiếp cận nghệ thuật.

Khi toan vẽ biết… cử động

Chia sẻ với iOne, họa sĩ Đức Phạm cho biết, khi còn là sinh viên anh đã mày mò, học hỏi vẽ body painting. Ban đầu, anh sử dụng nghệ thuật này vào việc hóa trang trong lễ hội Halloween, sau tham gia tổ chức sự kiện thời trang ở trường, anh ứng dụng những hình tượng mới lạ để tìm kiếm sự khác biệt, hấp dẫn hơn.

Theo họa sĩ Đức Phạm, cái hay của nghệ thuật vẽ body painting, đối lập hoàn toàn với một tấm toan câm lặng, là sự di chuyển, hoạt động của một cơ thể sống. Đó là một chất liệu biết nói, biết tác động trở lại cảm quan của người nghệ sĩ, tham gia trực tiếp tạo nên tác phẩm cuối cùng.

Họa sĩ Đức Phạm trình diễn vẽ body painting tại triển lãm Tết Art 2016. Ảnh: Huyền Anh

Body painting không đơn giản là vẽ các hình thù lên rồi tạo dáng chụp ảnh. Đoạn cơ thể này vẽ gì, làm sao để từng khu vực tôn nhau lên là cả một sự “tính toán” dựa trên chuyển động của mẫu - đó mới chính là mục đích của tương tác. Đôi khi, tiếp xúc với các đường cong ở phần bụng mang đến cho anh điều mới mẻ nằm ngoài cả ý tưởng ban đầu, khi ấy chúng không là ý tưởng nữa mà là tương tác bất chợt giữa cảm xúc của hội họa.

“Mẫu không quan tâm tôi vẽ những gì trên người họ mà quan tâm cách tôi thể hiện trên cơ thể ra sao. Nhiều người còn cảm thấy tò mò bởi vậy khi tương tác họ cảm thấy hạnh phúc vì mình là thành tố trong concept, được vẽ trong tác phẩm của họa sĩ hơn bất kỳ điều gì khác”, anh nói.

Màu vẽ để thực hiện trên người mẫu body painting. Ảnh: Huyền Anh.

Đức Phạm chia sẻ, để thực hiện một tác phẩm đôi khi mất vài tiếng hoặc hơn, chúng giữ được khá lâu. Màu vẽ được sử dụng là gốc mỹ phẩm, co giãn được trên da và không bị rạn, bong, không làm chết da, thoát hơi được. Tùy theo mục đích, anh có thể vẽ full hoặc từng bộ phận, có thể sơn hoặc dội nước, dội màu lên. 

"Cũng có khi, tôi để chính người mẫu tự vẽ lên họ, tôi chỉ bảo cô ấy làm gì, di chuyển ra sao. Hành động vẽ trên cơ thể là sự giải phóng, giải tỏa, tạo cảm xúc, thăng hoa và tự do ở nhiều thứ hơn”.

'Đứng trước mẫu, lúc nào tôi cũng thấy rung động'

Việc thực hành vẽ vời trên cơ thể, chạm bút vào da thịt người khác đem lại cho họa sĩ rất nhiều cảm xúc mới. Đức Phạm chia sẻ: “Đứng trước mẫu, lúc nào tôi cũng thấy rung động, kể cả nam nữ, ông già, bà già hay trẻ em - bởi chẳng có gì hấp dẫn, đẹp đẽ và gần gũi như cơ thể con người. Nhưng chỉ dừng ở sự rung động cần thiết để hoạt động nghệ thuật, đủ để cảm nhận thấy họ yêu và thu hút, chỉ vậy thôi”.

Màu sắc, đường nét và những ý tưởng thể hiện lên người mẫu làm anh bị cuốn theo, chỉ còn lại cảm giác mình đang vẽ. Cảm xúc được đẩy lên mức thăng hoa khác, đó là quyện cơ thể họ với cách vẽ, từng đường cọ chính xác và ăn khớp gần như tuyệt đối giữa những đường cong trên cơ thể của người mẫu. 

Tôi làm thời trang nhiều năm, quen với việc người mẫu thay đồ liên tục thậm chí nude nên bản thân không còn tò mò về giới, không đến mức phải kiềm chế hay có những hành động ích kỉ. Với nghệ thuật, sự hấp dẫn về mặt khác của giới tính không còn là rào cản đối với tôi.

Họa sĩ Đức Phạm

Tuy nhiên, Đức Phạm không phủ nhận, đôi lúc cảm xúc của anh xoay theo một vòng tròn. “Khi chạm lên làn da mẫu, tôi bất chợt có cảm xúc, rung động về vẻ đẹp phụ nữ. Nhưng cảm giác bản năng đó đi qua rất nhanh khi tôi bắt tay vào công việc. Mãi tới khi trình diễn xong hoặc đã chụp ảnh concept xong trở về nhà, cảm xúc một người nam với một người nữ mới trở lại, tôi mới lại thấy cô này đẹp đấy. Đôi khi tôi cũng bị như vậy. Tuy nhiên những nét vẽ chạm trên người thì hoàn toàn không mang dục tính mà mang tính nghệ thuật”.

Một tác phẩm hoàn chỉnh của Đức Phạm. Ảnh: Ngô Xuân Phú.

Những người mẫu hợp tác với anh không ngần ngại trong việc “cởi đồ” vì họ rất chuyên nghiệp. Đa phần anh chọn các mẫu quốc tế. Anh giải thích, tâm thế của họ đã hiểu về cách làm nghệ thuật, họ thả lỏng tương tác với họa sĩ một cách bay bổng hơn. "Còn mẫu ở Việt Nam tiếp cận nghệ thuật hơi căng cứng, lo sợ, thường e dè về cảm xúc".

Bởi vậy khi vẽ, anh truyền năng lượng của mình khiến mẫu quên đi đang đứng trước đám đông khán giả để chìm vào những dòng liên tưởng khác. Trong lúc làm việc, bản thân anh cũng quên mất khán giả đang nhìn mình.

Đưa nét bút đi trên thân thể, thứ duy nhất tồn tại là cảm xúc thăng hoa, không còn rào cản của sự đẹp xấu. Sự hòa quyện giữa cơ thể và hình vẽ mix vào nhau tạo nên tác phẩm hội họa có linh hồn. Tương tác giữa mẫu, họa sĩ và khán giả chính là điều tôi hướng tới.

Họa sĩ Đức Phạm

Ảnh: Ngô Xuân Phú

Trong nghệ thuật của Đức Phạm cũng không còn sự khó hay dễ. “Khó là khi người ta phải gồng mình lên để cố gắng làm một điều gì đó mà chưa đủ năng lượng, đủ khả năng. Với tôi, khó nhất là chọn người mẫu phù hợp để thể hiện thì tôi đã làm được rồi, khó về tìm kiếm vật liệu cũng đã được cung cấp rồi, khó về sự tương tác tôi cũng đạt được rồi. Cho nên khi đã thả lỏng, buông lơi, không còn khó hay dễ nữa, chỉ còn sự thăng hoa”, họa sĩ nói.

Huyền Anh

https://ione.net/projects/nam-hoa-si-gat-bo-rung-dong-gioi-tinh-de-ve-tren-co-the-mau-nu-3675038/index.html

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO