Niềm Riêng – một góc nhìn

Đăng bởi : Mạc Tường Vi . Ngày : 2021-07-22 06:27:35
 

(ceotoancau.vn) Bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của thế kỷ XX. Thế mới biết nội lực thâm hậu của Hàn Mặc Tử đã biến đau thương, tuyệt vọng để trở về với chính mình, tan chảy thành thơ làm đẹp cho cõi trần muôn thuở.

Đây Thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra…

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Tác phẩm “Đây Thôn Vĩ Dạ “đỉnh điểm giữa thế kỷ XX, lan tỏa đến 90% trong giới trí thức và học sinh, sinh viên, đưa vào sách giáo khoa giảng dạy và làm đề thi văn học cho các cấp tùy mỗi thời đại. Bài thơ diễn đạt về cuộc tình thi nhân và cô gái thôn Vĩ. Nhiều tác giả thượng thừa đã phân tích sâu sắc, đột phá mổ xẻ từng câu thơ con chữ đến công phu tuyệt kỷ. Tùy cách nhìn từ những lăng kính cảm nhận của những thiên tư, chấp cánh cho bài thơ bay ngút lên khung trời ảo diệu.

Dù rất nổi tiếng nhưng không nhiều người biết rõ về bối cảnh sáng tác ra thi phẩm nổi tiếng này của Hàn Mạc Tử.

Chúng ta không có quyền lạm bàn cho những bài phân tích bình luận đúng hay sai. Vì có những bậc tiền bối nổi tiếng văn học cùng thời với tác giả như: Bàn Thành Tứ Hữu, Xuân Diệu, Phan Bội Châu… thường khi ăn cùng mâm, ngồi cùng chiếu, sáng trà chiều tửu, giao tình thân thiết chưa hẳn hiểu hết ý tưởng riêng tư sâu xa của tác giả, huống chi Hàn Mặc Tử cách xa ta từ thập niên 40 đến nay chưa một lần quen biết, chưa một dạo giao lưu, làm sao chúng ta đo lường độ chính xác, miễn sao logic có tính thiết phục là đủ rồi.

Mộ thi sĩ họ Hàn tại Quy Nhơn.

Trước hết, xin tóm tắt bối cảnh bài thơ ra đời. Hàn Mặc Tử theo cha đi nhiều nơi và theo học ở các trường Tiểu học Sa Kỳ (1920), Quy Nhơn, Bồng Sơn (1921–1923), Sa Kỳ (1924)... đến năm 1926, cụ thân sinh của Hàn Mặc Tử bị bệnh và mất ở Huế, Hàn Mặc Tử được mẹ cho học tiếp ở trường Pellevin - Huế. Rồi ngao du khắp nơi, năm 1933 nhà thơ vào làm cho Sở Đạc Điền Quy Nhơn, quen với Hoàng Tùng Ngâm, em con chú Hoàng Thị Kim Cúc hay còn gọi là Hoàng Cúc.

Gia đình Hoàng Thị Kim Cúc.

Ngay lần gặp mặt đầu tiên, Hàn Mặc Tử đã đem lòng si mê cô láng giềng lung linh đài cát. Hàn Mặc Tử đã làm một số bài thơ để tặng nàng Hoàng Cúc như “Vịnh hoa cúc”, “Trồng hoa cúc”.... Nhưng Hoàng Cúc, người con gái Huế vẫn giữ nét kín đáo trong lòng, sau này viết thư cho nhà thơ Quách Tấn là bạn của Hàn Mặc Tử, Hoàng Cúc mới bày tỏ tâm tình rằng không có tình ý gì với nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

Hoàng Cúc từ giã Quy Nhơn theo cha về Huế. Thời gian sau, nhà thơ lâm căn bệnh của thế kỷ. Lúc đó, Hoàng Tùng Ngâm về thăm quê báo tin cho biết: Thi nhân lâm căn bệnh hiểm nghèo, tâm hồn bi quan, thể xác hao gầy, tinh thần bạc nhược khổ đau theo tháng ngày hiu hắt, cô đơn… Thi sĩ rất nhớ chị, chỉ có chị mới động viên để anh có động lực vực dậy khỏi cơn đau sinh tử. 

Cô gái trí thức Hoàng Cúc tế nhị ra chợ mua một bưu ảnh chứa nhiều ý tưởng sâu sắc, thể điệu cung bậc vô thanh mà vang dội, sấm sét mà thơ mộng, trực ngộ và cảm thông như một công án thiền với câu thoại đầu: “Sao anh không về chơi Thôn Vĩ”.

Nhà thơ cầm trên tay tấm bưu ảnh có cảnh quê thôn Vĩ Dạ cùng câu thoại đầu của người trong mộng. Với sự nhạy cảm khám phá, năng lượng liên tưởng sáng tạo của nhà thơ, từ đó cho ra đời tuyệt tác: “Đây Thôn Vĩ Dạ” hoặc “Ở Đây Thôn Vĩ Dạ”.

Theo tôi nghĩ, đây không phải bài thơ tả cảnh hữu tình sông nước nên thơ, lòng người mơ mộng giao thoa đất trời với cỏ hoa reo hát. Đây một bài thơ bi quan, tác giả mang nhiều tâm trạng hụt hẫng đau thương trong mối tình nghiệt ngã đơn phương chung quanh nhà thơ với cô gái Vĩ Dạ. 

Chúng ta minh xác lại câu, nếu người con gái hỏi “Trước nay sao anh không về chơi Thôn Vĩ” là câu thăm hỏi xã giao bình thường không có gì đặc biệt để nghĩ bàn. Khi đó, cô gái đã biết nhà thơ bị căn bệnh hiểm nghèo, đang đối diện thập tử nhất sinh, thì tại sao gọi mời về thăm… 

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”

Không! Người con gái Vĩ Dạ thông minh, dùng câu khích tướng, phương tiện vận dụng 12 thần công lực “Như Lai thần chưởng” giải huyệt đạo và truyền “Cửu âm chân kinh” cho nhà thơ đủ nội lực vực dậy phá vỡ vòng vây “mê hồn trận” của căn bệnh bao trùm đe dọa để thi sĩ hồi sinh bừng dậy, tự tin vươn mình đứng lên, vững chắc hiên ngang thách thức bão giông như thân cau đứng thẳng trong trời đất.

“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”

Cau - một loại thực vật phổ biến ở tất cả các vùng miền chứ không riêng gì ở thôn Vĩ Dạ. Cau không phải là hình ảnh đặc trưng cho cảnh quê Vĩ Dạ. Vậy chúng ta càng tin tưởng thân cau thắng đứng là tượng trưng cho sức sống vươn lên.

Trong câu có hai chữ nắng, chữ “nắng” đầu tiên là biểu dụ cho năng lượng của lửa có sẵn trong tự thể, tràn đầy nhựa sống trong thân cau. Chữ “nắng” thứ hai là khi nội năng vực dậy mãnh liệt như thân cau, thì đón nhận “một ngày mới” - ngày của nắng bình minh “ngày sống mới” như VINCE LOMBARDI nói: “I’m not afraid that you will fall down, I’m just afraid that you dare to stand up?” (Không sợ bạn bị gục ngã, chỉ sợ bạn có dám đứng dậy hay không?).

Trực ngộ thông điệp mật ngữ trên tay đã khiến nhà thơ bàng hoàng kinh ngạc liên tưởng đến hình ảnh thanh tao của cô gái Huế trong đó chất chứa bao nỗi niềm tinh tế và sâu sắc.

Trong toàn bài thơ có 4 chữ “ai”, đó là đại từ nhân xưng, đứng trong bốn trạng thái khác nhau trong khi đó chỉ có một chữ “em”. Tại sao?

Chữ “ai” là một câu hỏi thiên thu chưa hoặc không có lời giải thích "Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này" (Tôi ơi đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn). Chữ “ai” ở đây là một từ nghi vấn, một ẩn dụ chứa đựng sự mênh mông và mơ hồ.

Và tại sao nhà thơ không ví màu xanh như nước biển, màu xanh như da trời mà lại là màu xanh như ngọc. Ngọc - đây là một loại trầm tích đá hàng triệu năm hóa thành ngọc. Trong khoáng sản, ngọc là loại quý, khả năng thả vào nước gạn đục thành trong. Ngọc còn ví như một tâm hồn trong sáng tinh khiết như ngọc kim cương, pha lê. Ý thứ 2: Ngọc là ví cho tuổi ngọc - một giai đoạn đẹp nhất, trong trẻo nhất, đầy nhựa sống, mượt mà xanh mướt, đầy hy vọng ở tuổi đôi mươi. Còn “vườn ai” là vườn của người nào? Có phải biểu thị cho cuộc đời khuê các, đoan trang của cô gái Vĩ Dạ không? Nếu tác giả dùng chữ “Đời em” thì còn gì đặc biệt trong câu thơ. Bởi thế, chữ “vườn ai” nó bàn bạc trong không gian, chứa chan hình ảnh diệu kỳ, là ngôn từ ẩn dụ tinh tế, vươn tầm thượng đỉnh thi ca, siêu việt lãng mạn trong tâm hồn thi sĩ. Người con gái thôn Vĩ được nhân cách hóa thành “vườn ai”.

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Sau khi cảm nhận được sự sâu sắc người mình thương yêu nhà thơ lại thất vọng, hụt hẫng, đem làm phép so sánh để nhìn lại đời mình, chợt thốt lên tâm trạng bi ai.

Có nhiều nhà phân tích cho rằng khuôn mặt chữ điền sau lá trúc là của người con gái, vậy chúng ta thử xem có đúng hay không?

Theo văn hóa phương Đông nói chung Việt Nam nói riêng, người đàn bà có tướng phúc hậu thường có khuôn mặt trái xoan, mặt trăng, búp sen… như Nguyễn Du tả Thúy Vân “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang“, đó là quý tướng vượng phu ích tử. Khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt của người đàn ông bản lĩnh, đầu đội trời, chân đạp đất, như Từ Hải “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo “. Hàn Mạc Tử, một nhà thơ lớn chẳng lẽ nhìn thấy khuôn mặt người con gái mình yêu, mình tương tư mơ tưởng mà lại nhìn sai lầm khuôn mặt chữ điền như thế sao? Vậy khuôn mặt chữ điền của ai?

Nếu là người tranh giành địa vị công danh quyền lực thường hay bị tiểu nhân hãm hại, thân bại danh liệt. Nhưng nhà thơ đã khẳng định hướng đi đời mình từ khi bỏ học trường dòng, chỉ muốn làm nhà thơ khai thác cái đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, nét tinh hoa của nhân sinh chảy thành thơ để dâng hiến cho đời. Vì thế không ai có ý đồ hãm hại nhà thơ, chỉ có con vi trùng trong cơ thể nhà thơ mới giết được nhà thơ.

Vậy con vi trùng nào? Hiện ở đâu? Theo chúng ta đề cặp ở trên, khuôn mặt chữ điền ví cho đàn ông, “trúc” biểu hiện tính cách tâm hồn quân tử, hai hình tượng đó ở trong một cơ thể người đàn ông. Chúng ta đặt ngược lại vấn đề, tại sao tác giả không diễn tả một khóm trúc hoặc một cành trúc phất phơ trước khuôn mặt chữ điền thì thơ mộng biết bao, thi hứng biết bao. Nhưng không! Nhà thơ chỉ tả đơn điệu một lá trúc che ngang (cắt ngang) mặt chữ điền. Trong hội họa, lá trúc giống như một lưỡi đao sắc bén, đơn vị nhỏ nhất trên thân thể một loài cây quân tử, là ám chỉ con vi trùng phong hàn mới giết được mạng sống của thi nhân, cũng như sư tử là chúa tể sơn lâm, không loài nào hại được, chỉ có con “vi trùng sư tử” mới giết được con sư tử. Bởi thế nhà thơ đã tự mình thở than:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

     Và rồi sự tương phản của hai cuộc đời làm cho tâm hồn nhà thơ trở nên bi quan. Thông thường gió thổi mây bay, gió thổi đến đâu mây đồng hành đến đó, mây và gió gắn liền yêu thương, hòa cùng nhau bay suốt quãng đường đời. Nhưng nhà thơ tự biết thân phận mình giờ đây không thể sánh đôi với cô gái Huế, đành tự lòng thảng thốt, bởi cuộc tình sẽ đến ngả rẽ đôi đường.

Chẳng lẽ thi nhân viết “Hai ta từ đây đường ai nấy đi” thì có gì nên thơ sâu sắc. Thi sĩ mượn mây và gió phác họa lên hình ảnh vừa đẹp vừa phiêu bồng, lãng đãng hòa cùng cung bậc đất trời, làm lên cuộc chia ly từ đau khổ đến tàn phai.

  Chúng ta bước thêm một diễn cảnh mới, khi tác giả cảm khái tự nỗi lòng như Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Đứng giữa hai lãnh cực tùy tâm tạo ra cảnh buồn hay vui. Đây! Có phải là trạng thái chán chường, buồn thiu như dòng sông đôi ngã trôi chảy âm u bên những thân bắp gầy khô đã trổ hết mùa hoa trái đang lay lắc trong nắng chiều. Nhà thơ tự bạch về thân thể tiều tụy của mình cùng với tâm trạng buồn bã đìu hiu:

“Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

   Lẽ thường, khi tuyệt vọng đến cùng cực thì cũng là lúc có thể lé lên tia hy vọng, dẫu đó là tia hy vọng mong manh, mơ hồ cũng đành bám víu lấy niềm tin, như WILLIAM CƠPER nói: “The darkest day, if you live till tomorrow, will have past away. (Cái ngày đen tối nhất rồi cũng sẽ trôi qua nếu bạn sống tới ngày mai).

Trong tấm bưu ảnh có hàng cau, có hoa bắp, dòng sông, con thuyền và ánh trăng… nhà thơ nhìn vào bức ảnh cảm xúc ứng tác, gởi gắm nỗi niềm luân chảy thành những dòng thơ ngọt ngào lẫn chua xót, hy vọng lại tang thương của một mối tình không thể với tới ở quãng cuối cuộc đời.

Trong đoạn này, nhà thơ lại dùng thêm một chữ “ai”, chữ “ai” đây là từ xác định, thuyền của thi nhân đậu bến sông trăng để có cơ hội chở trăng về cho kịp tối nay. Một ngữ điệu bay bổng không biên cương không ranh giới, chứa vô lượng vô biên diệu nghĩa, mở ra phương trời viễn mộng, kết hợp thuyền và trăng hòa âm trên dòng sông ly biệt đợi chờ và đợi chờ cũng lay lắt không chắc chắc, có chở “khuôn trăng đầy đặn….” về kịp tối nay không?

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Tại sao tác giả không dùng chữ đêm nay? Chữ “đêm” biểu cảnh thơ mộng với trăng hơn chữ “tối”, vì buổi tối thời gian ngắn hơn chữ “đêm”. Ý nói sự sống thi nhân giờ đây chỉ còn trong gang tấc, ám chỉ đời mình hiện nay căn bệnh luôn hành hạ, một đời còn lại chỉ như bóng tối mà thôi.

Mơ có hai nghĩa. Đứng về phương diện địa lý và thời gian từ Quy Nhơn ra Vĩ Dạ rất xa, thời đó phương tiện giao thông cũng khó khăn nên “cô thôn Vỹ” cùng thi nhân chưa chắc có ngày hội ngộ. 

Thứ hai phương diện về đối đãi thân phận, người con gái Vĩ Dạ hiện giờ “mượt mà xanh như ngọc” còn nhà thơ thì “lá trúc che ngang” thì làm sao thi nhân không thất vọng, khi thất vọng thì bao nhiêu kỷ niệm dĩ vãng của “cô Thôn Vĩ” ùa về chập chờn trong tiềm thức để rồi mơ.

"Cảnh cũ đây, người xưa nay đã hóa người thiên cổ", thượng tọa Thích Nhuận Tâm cảm thán.

   Một ước mơ không bao giờ trùng phùng trên bến sông trăng, nỗi lòng tha thiết đẩy tình yêu lên cung bậc thượng tầng chung thủy, một ước mơ biết không hiện thực bao giờ… vẫn cứ mơ.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa”

Đường xa ở đây, là xa tầm kiểm chứng, ôm nỗi nhớ trong lòng mơ tưởng đến ngàn xa.

  Vỏn vẹn bài thơ chỉ có một chữ “em”, vậy câu này có gì đặc biệt mà dùng chữ “em”? Chữ “em” ở đây là thể hiện sự tôn trọng tính cách, trân quý bản chất thanh cao, tâm hồn trong sáng, khi thi nhân không chiếm hữu được trái tim của “cô Thôn Vĩ”. 

  Bản sắc cô gái xứ Huế, chiếc áo dài màu tím tượng trưng cho sự đợi chờ và thủy chung, vậy màu trắng trong thơ tác giả muốn chỉ cho ai và ở đâu? Màu trắng gì mà nhìn không ra? Chỉ có hư không, không khí… mới nhìn không ra? Có phải màu trắng của Nguyễn Du khi tả hai chị em nàng Kiều “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”? Nhưng tại sao tác giả không dùng chữ “thấy”? Đây là vấn đề chúng ta cần xét lại. Chữ “thấy” là dùng để thấy hiện tượng bên ngoài, còn chữ “ra” là nhìn bản chất bên trong, như Nguyễn Du diễn đạt khi Kiều đàn cho Kim Trọng: “Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau” hoặc “Nghe ra như oán như sầu phải chăng!” nên ở đây tác giả dùng chữ ra để thấy bản chất. Vậy bản chất ở đâu? Phải chăng nhà thơ chỉ yêu đơn phương, trên bến vắng đò chiều, không chiếm hữu được trái tim tinh khôi thuần khiết của cô Thôn Vỹ, mới nhìn không ra một “chiếc áo tâm hồn” chỉ có màu trắng tâm hồn, mới không nhìn ra được mà thôi. 

Di ảnh bà Hoàng Thị Kim Cúc - "người tình thơ" của thi sĩ Hàn Mạc Tử.

  “Cô Thôn Vĩ” phát nguyện suốt đời sống độc thân không lập gia đình, để truyền trao mật ngọt cho thế hệ mai sau bằng hai con đường:

 1- Về giáo dục, trong thập niên 40, cô Vĩ Dạ là giáo viên dạy môn nữ công gia chánh cho trường Đồng Khánh Thừa Thiên - Huế. 

 2- Về tôn giáo, chị là phó ban hướng dẫn gia đình Phật tử trung ương. Tư tưởng Phật giáo đã thấm sâu vào lý tưởng “cô thôn Vĩ”, nhà thơ thì theo Thiên Chúa giáo, không cùng đức tin thì làm sao đồng cảm tình yêu. Vào tháng 8/2013, tác phẩm “Lá trúc che ngang” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành của Hoàng Thị Quỳnh Hoa - cháu Hoàng Cúc gọi bằng cô ruột. Trước khi qua đời, “cô thôn Vĩ” xin đính chính 2 vấn đề:

1. Hàn Mặc Tử chỉ yêu đơn phương, tình yêu không đáp trả;

2. Hoàng Cúc là một nhà giáo mô phạm, một hành giả tu tại gia, một cư sĩ phát nguyện không lập gia đình.

Thượng tọa Thích Nhuận Tâm trước di ảnh của người xưa.

Thế mà thời đó và sau này nhiều tác giả sai lầm nói, Hoàng Cúc chung thủy ở vậy để sớm hôm lo hương khói cho nhà thơ. Vì thế, mong các nhà phân tích, phê bình văn học đừng cưỡng ghép cô gái Hoàng Cúc là một trong 5 người yêu của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tội nghiệp và oan cho một đời trong trắng huyền nhiệm của “cô thôn Vĩ”, cũng là người tạo nguồn cảm xúc cho bài thơ tuyệt tác ra đời.

Tình yêu đơn phương ấy lại càng vô cùng da diết khi nhà thơ bất lực cô đơn đến tột cùng trong căn bệnh hiểm nghèo ở một phương trời rất xa đã bật lên câu thơ u hoài, chập chớn ảo ảnh:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”

Chữ “ở đây” là chỉ địa danh Quy Nhơn - nơi nhà thơ đang cư trú, nhớ thương vọng ra xứ Huế hoài mong cô Vĩ Dạ.

Thầy Tâm tưởng nhớ nhà thơ tài hoa bạc mệnh như đang ở giữa không gian xưa.

Mới đọc qua, ta có cảm tưởng câu thơ phát họa lên một hình ảnh sương khói lãng đãng giữa không gian vô cùng tận, như núi rừng quyện lẫn khói sương, như cảnh giới thần tiên thoát tục… Nhưng đọc kỹ thì đó là sự buồn bã vây quanh, sự khắc khoải chờ đợi trong mong manh bị sương khói phủ đầy làm nhân ảnh lu mờ thi sĩ với nhiều ý nghĩa sầu mang:

Một tiếng than não lòng bi lụy,

Một điệu buồn mờ nhân ảnh khói sương,

Một hơi thở xô tràn tuyệt vọng,

Một nụ cười thiêu rụi ở đây!

Thầy Tâm miên man suy nghĩ về người xưa.

Tại sao trong câu kết tác giả dùng hai chữ “ai”? Đây là một câu hỏi lớn trong bài thơ, “ai” hỏi và hỏi “ai”? Khi đọc hết bài thơ, ta thấy nhà thơ không còn tin chính mình, không dám nhìn thẳng vào cục diện hiển bày. Vì thế, chữ “ai” này là chỉ bản thân, còn chữ “ai” thứ hai là chỉ cho “cô thôn Vĩ”. Ngọn bút nhà thơ quá siêu xuất, đem chữ “ai” đau khổ biến thành thi cảnh hữu tình, bàn bạc mây khói, lồng trong tiếng thở dài não nề, mênh mang không gian, nỗi niềm cô đơn hiện hữu quay về thực tại, thành câu hỏi “cô thôn Vĩ” còn dành tình cảm đậm đà cho thi nhân bao nhiêu? Câu hỏi không cần trọng lượng đo lường cân đếm, chỉ gởi theo mây khói chạm vào hư vô, dội lại tâm thức, để thấy trong câu hỏi chưa có câu trả lời. Thở than tuyệt cùng để rồi dâng trào cùng câu nghi vấn:

“Ai biết tình ai có đậm đà”

"Khi sáng tác bài thơ, Hàn Mặc Tử trong giai đoạn khó khăn nhất", sư thầy Thích Nhuận Tâm nhận định.

Bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của thế kỷ 20, một tác phẩm siêu xuất của Hàn Mặc Tử. Khi sáng tác bài thơ, Hàn Mặc Tử trong giai đoạn khó khăn nhất, ông đang phải chịu đựng những cơn đau giằng xé từ căn bệnh phong hàn. Thế mới biết nội lực thâm hậu của nhà thơ, đã biến đau thương, tuyệt vọng thành chất liệu sáng tạo để trở về với chính mình, tan chảy thành thơ làm đẹp cho cõi trần muôn thuở.

Thượng tọa Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM), Phó Chủ tịch Hội đá cảnh - đá phong thủy Việt Nam, Chủ tịch Hội đá cảnh - đá phong thủy TP.HCM.

 Tác phẩm “Đây Thôn Vĩ Dạ” là tác phẩm hay tuyệt đỉnh, trong thời gian rảnh rỗi đem luận đôi điều, tự xét thấy tài mòn trí cạn không tránh khỏi những điều sơ suất, mong được thứ lỗi và niệm tình rộng mở thứ tha.  

                          Mùa Covid tháng 14/2021

                               Như Không

                          Thích Nhuận Tâm

(Vi Hằng biên tập - Mạc Tường Vi trích đăng)

 

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO