Lạc bước Động Hoa Vàng hội ngộ Phạm Thiên Thư

Đăng bởi : Khiết Linh . Ngày : 2021-08-30 05:28:04
 

(GMTCH 26) Nói ít nhưng đầy đủ có mấy câu thơ Bùi Giáng tặng ông, thi sĩ Động Hoa Vàng thường miên man giấc mơ Việt. Tìm đến nhà ông thật khó, sau nhiều lần lạc đường, tôi đã tìm được và có dịp trò chuyện cùng chủ quán Hoa Vàng.

Chạy quanh khu vực thần tiên
Mỏi chân mười ngón kết liên bốn mùa
Vườn cây trái ngọt trái chua
Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên

                                                                               (Bùi Giáng) 

Thi sĩ Phạm Thiên Thư.

Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ…

Thưa chào ông, một nhà thơ hay thiền sư "ỡm ờ"?

Phạm Thiên Thư: Cả hai vì tôi ra đi từ đời và trưởng thành từ đạo. Trong tôi, đạo và đời là một. Trong 9 năm ở chùa (1964-1973), tôi - tức nhà sư Thích Tuệ Không đã tiếp cận tư tưởng nhà Phật và triết lý Phật giáo là phần lớn tinh thần sáng tác của tôi. Triết lý Phật giáo cũng không ngoài những hạnh phúc, khổ đau của con người. Một đời sống hòa bình, thanh thản với cái thiện luôn đẩy lùi cái ác… cũng là mục đích thơ của tôi hướng đến. Phật giáo khi hòa nhập vào cuộc sống đã trở thành một giá trị văn hóa chứ không đơn thuần là tôn giáo.

Phạm Thiên Thư sinh năm 1940, quê Thái Bình nhưng là người Sài Gòn từ năm 1954.

Từ thi phẩm của ông, người yêu thơ cũng mờ mờ ảo ảo với “tu sĩ lãng mạn” Thích Tuệ Không với những dòng tự bạch. Vậy vì sao cậu học trò Phạm Kim Long lại trở thành nhà sư Thích Tuệ Không?

Phạm Thiên Thư: Tôi sinh năm 1940, quê Thái Bình nhưng đã là người Sài Gòn từ năm 1954. Thời sinh viên mê văn chương thơ phú, tôi sáng lập và tụ tập bạn bè vào học Hội Hồ Quý Ly. Việc lập Hội đoàn này khiến tôi luôn bị cảnh sát chế độ Sài Gòn chú ý, thế là để được yên thân, tôi đã ẩn vào chùa để tu. “Tu bất đắc dĩ” mà ngộ ra kinh Phật, ngộ ra chuyện thiền rất nhanh nên tôi thấy mình là người may mắn. Tôi sớm nhận ra điều, nhà chùa không phải là nơi tôi nương náu để qua cơn bỉ cực mà là một cõi riêng, rất riêng để tôi tha hồ bay bổng từ những điều ngộ ra chính mình và cuộc sống chung quanh:

Sớm nay thông ngó mây về
Non xa xõa mái tóc thề chơi vơi
Cành thông vươn dậy ngó trời
Tự nhiên bật tiếng cả cười hoan ca.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư lúc còn trẻ chụp trước căn nhà có cây hoa vàng trong khu cù lao Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận mà ông gắn bó nhiều năm - Ảnh chụp lại từ album riêng. 

Nhà thơ nghiệm ra điều gì sau sự thành công và dâu bể giữa đời và thơ của Phạm Kim Long - Phạm Thiên Thư?

Phạm Thiên Thư: Đời sống một con người từ lúc cất tiếng khóc oe oe chào đời đến khi trăng xế bên thềm thành hay bại là do 5 “kiểu gien” quyết định: Gien cha mẹ (di truyền), “gien” môi trường (tác động xã hội), luân hồi (thiện ác), quyết chí vươn lên (bản thân giác ngộ, phấn đấu) và kiếp người (số phận). Trong đó, phần bản thân giác ngộ, phấn đấu là quan trọng. Tôi đã có những tháng ngày giác ngộ, phấn đấu đến khổ sở nhưng chưa bao giờ mệt mỏi dẫu bao vật đổi sao dời.

 Thi sĩ Phạm Thiên Thư giao lưu cùng hòa thượng Thích Giác Toàn và ông Lê Phước Vũ (CT HĐQT Hoa Sen Group) tại chương trình văn nghệ Phật pháp: Kinh Ngọc - Qua suối mây hồng, thi hóa kinh Kim cang của thi sĩ họ Phạm.

Trong thời gian nương nhờ cửa Phật, một loạt các bộ kinh đã được Phạm Thiên Thư thi hóa như chuyển kinh Kim cương thành tập thơ “Qua suối mây hồng”, Kinh Hiền ngu thành tập thơ “Hội Hoa đàm”… Ngẫu hứng giữa đạo và đời ở đây được giải thích như thế nào, thưa ông?

Phạm Thiên Thư: Tôi nghĩ đó là con đường kinh Phật đi vào cuộc sống con người một cách tự nhiên nhất! Mà như tôi đã nói, đời và đạo có nhiều điều gần nhau lắm. Thơ thi hóa kinh Phật của tôi thường bắt đầu từ những giấc mơ đẹp, hướng đến những điều lành và giản dị! Tôi muốn mọi người sau khi đọc Kinh Ngọc, Kinh Thơ, Kinh Hiền… của tôi sẽ được sống trong dòng sinh lực không gian vô tận, dung hòa mọi tư tưởng nhân sinh:

Chẳng nương bè trúc ngọc
Vượt qua suối mây hồng
Con chim vô lượng kiếp
Về tha trái Nhãn không

Ngoài chuyện thi hóa kinh Phật, nhà thơ còn có những thi phẩm đã đi vào lòng người bởi duyên nợ cùng nhạc sĩ tài danh Phạm Duy với “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Đưa em tìm động hoa vàng”, “Em lễ chùa này”… Duyên nợ đã đẩy đưa như thế nào ạ?

Phạm Thiên Thư: Hai mươi lăm tuổi ở Sài Gòn, tôi đã là một nhà nghiên cứu thiền được nhiều người biết đến. Trong số những người mê tôi vì mê thiền có ông Nguyễn Đức Quỳnh - nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng lúc bấy giờ. Ông Quỳnh đã “mai mối” tôi cho nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ đã “đặt hàng” tôi mười bài Đạo ca. Tiếp theo đó là tập trường thi “Động hoa vàng” được nhiều người biết đến với nhạc phẩm “Đưa em tìm động hoa vàng”, rồi cứ theo đó mà ông Duy xướng tôi tùy. Thời này, thơ tôi cũng được nhiều nhạc sĩ danh tiếng khác để mắt đến bằng sự ra đời của các nhạc phẩm Như cánh chim bay (Cung Tiến), Đôi mắt thuyền độc mộc (Võ Tá Hân), Động hoa vàng (Trần Quang Long)… Sự hứng khởi giữa nhạc và thơ đã khiến tôi tích lũy được một gia tài gồm 10 thi phẩm: “Huyền ngôn xanh”, “Những lời thược dược”, “Ngày xưa người tình”…

Tập trường thi “Động hoa vàng” được nhiều người biết đến với nhạc phẩm “Đưa em tìm động hoa vàng” của cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đến nay vẫn rung dài âm hưởng trong nhiều người những dòng lục bát óng ả tuyệt bích, nhất là hai câu thơ: Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say. Chỉ một thi tập “Động hoa vàng” cũng đánh dấu một thời đại trong thi ca, đồng thời thăng hoa khả năng thẩm mỹ và diễn đạt diệu vợi của thể thơ lục bát cổ truyền?

Phạm Thiên Thư: Vâng, tôi ra mắt tập thơ “Động hoa vàng với 100 đoản thi vào năm 1971. Thời buổi đó, lối sống thanh thiếu niên Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung rất “Mỹ hóa”. Tôi viết “Động hoa vàng từ một giấc mơ Việt, một giấc mơ khẽ khàng rất Việt:

Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

Đọc “Động hoa vàng”, cảm với “Động hoa vàng”, chắc hẳn bạn sẽ thấy hạnh phúc vì mình là người Việt Nam.

Thi sĩ Phạm Thiên Thư là bạn tri âm tri kỷ của cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Phạm Thiên Thư trong đêm thơ nhạc của ông và Phạm Duy năm 2011 - Ảnh nhân vật cung cấp.

Còn chuyện diễm tình của thi sĩ họ Phạm với cô Hoàng Thị Ngọ “Dáng em nho nhỏ” trong cõi xa vời của “Ngày xưa Hoàng Thị”?

Phạm Thiên Thư: Cũng có đấy, chuyện nhẹ nhàng như gió như mây tuổi học trò ấy mà… Xưa, quê tôi ở Kiến Xương - Thái Bình nhưng sinh ra ở Lạc Viên – Hải Phòng. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, tôi theo cha mẹ di cư vào miền Nam, ngụ tại căn nhà nhỏ đằng sau chợ Tân Định. Cha tôi xin cho tôi học tú tài tại trường Trung học Văn Lang cách nhà chừng non một cây số. Thời gian này, tôi để ý cô bạn học cùng lớp quê gốc Hải Dương ở gần nhà nhưng không dám ngỏ lời. Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật mái tóc dài xõa trên bờ vai mảnh dẻ. Tôi chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô ấy ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi theo sau cô hàng ngày, giấu cảm xúc riêng không cho bất cứ ai biết. Sau này, tôi theo học trường Phật học Vạn Hạnh, mỗi khi đi ngang con đường ấy, hình ảnh cô gái với mái tóc xõa ngang vai lại hiện về trong tôi. Trong một lần đắm chìm trong cảm xúc, tôi đã cầm bút viết lên bài thơ đó:

Em tan trường về

Đường mưa nho nhỏ

Chim non giấu mỏ

Dưới cội hoa vàngThi tập “Động hoa vàng”  thi sĩ Phạm Thiên Thư đánh dấu một thời đại trong thi ca.

Sự hứng khởi giữa nhạc và thơ đã khiến Phạm Thiên Thư tích lũy được một gia tài gồm 10 thi phẩm: “Huyền ngôn xanh”, “Những lời thược dược”, “Ngày xưa người tình”…

Sau kinh kệ, thơ nhạc… rồi đến hớt tóc, bán tạp hóa, bán cà phê kiếm sống, thi sĩ Phạm Thiên Thư còn nổi tiếng nhờ tài chữa bệnh?

Phạm Thiên Thư: Tôi nghiệm ra phương pháp chữa bệnh điện công Phathata từ những cách tham thiền, vận nội công và yoga. Những tiền đề này, tôi tích lũy được từ những ngày học võ (bố tôi là thầy thuốc dạy võ) và thời gian tầm sư học đạo ở Thất Sơn (Bảy Núi-An Giang). Cũng không thể không kể thêm ở đây sự kết hợp với võ Bình Định, gồng Châu Quý, thiền Mật Tông… Phathata là phương pháp tập luyện nhân điện, tự điều chỉnh bế tắc, rối loạn cơ thể và tâm lý thông qua khả năng siêu ý thức. Tôi cũng đã tự chữa bệnh cho mình bằng phương pháp Phathata (có kết hợp cùng các phương pháp khác). Hiện tôi vẫn tham gia câu lạc bộ chữa bệnh miễn phí cho mọi người bằng phương pháp Phathata…(nhà thơ vừa nói vừa giải thích hình thức chữa bệnh đau nhức, mỏi mệt bằng phương pháp Phathata - một bàn tay cấu rốn, một bàn tay bấm huyệt trên đỉnh đầu).

Thi sĩ Phạm Thiên Thư hướng dẫn phương pháp Phathata - chữa bệnh bằng... Móng rồng tại một hội thảo. 

Trong hành trình đi tìm ngôn ngữ mới thay thế những ngôn ngữ “có nghĩ đến hàng thế kỷ cũng không ra”, ông vẫn hân hoan chắt chiu những ý nghĩ, câu từ trong quyển sổ bé xíu nơi túi áo để tiếp tục bổ sung cho 6 bộ tự điển đã ít nhiều đi vào kỷ lục Việt Nam?

Phạm Thiên Thư: Tháng 8.2007, Vietbooks đã xác lập kỷ lục cho tôi là người Việt đầu tiên sáng tác tự điển cười bằng thơ với quyển Tự điển cười (Tiếu liệu pháp) gồm 5.000 từ ngữ vui để “cười mà đẩy tâm bệnh”. Bên cạnh đó, tôi còn có tự điển cười, tự điển đời, tự điển ý đẹp, uyên ngôn… Chỉ riêng quyển uyên ngôn đã “chở” 50 ngàn câu. Trong khi đó, châm ngôn Việt Nam chỉ có 10 ngàn câu! Trong tôi luôn háo hức và đầy tinh thần dân tộc. Tuổi trẻ tôi luôn ước ao làm một điều gì đó, để người ta nghe thấy và bảo rằng, chuyện đó - con người đó chỉ có ở Việt Nam. Thuộc sử, nhớ sử Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ tức là yêu nước, yêu tiếng nước mình. Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam ít được giới trẻ hiện quan tâm thì việc chuyển các sự kiện thành thơ để có sức thu hút hơn là một việc làm đáng khích lệ. Tôi phải mất gần mười năm để hoàn thành “Hát ru Việt sử thi” - cuốn sách có độ dài 3.325 câu thơ lục bát, mở đầu từ thời thượng cổ và kết thúc vào thời Tây Sơn. Đây là một món ăn tinh thần nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm hồn những người trẻ thời hiện đại.

Tháng 8.2007, Vietbooks đã xác lập kỷ lục cho thi sĩ Phạm Thiên Thư là người Việt đầu tiên sáng tác tự điển cười bằng thơ với quyển Tự điển cười (Tiếu liệu pháp).

Xin cám ơn, chúc ông luôn dồi dào sức khỏe để có nhiều dịp miên man cùng giấc mơ Việt.

-------------------------------------
     Ngày của thi sĩ Phạm Thiên Thư bây giờ nhẹ nhàng như gió như mây. Dưới bóng cây xanh đầy hoa nắng của quán cà phê gia đình với tên gọi Hoa Vàng trên đường Hồng Lĩnh (Q.10, TP.HCM). Tạm biệt tôi, như thường lệ, ông lại tiếp tục ngồi hàng giờ để hoài niệm về màu hoa vàng cùng bóng áo thoát tục năm xưa, như thấy mình sống hơn bảy mươi năm "không hoài không phí" giữa nhịp đời “Sắc Sắc Không Không”. 

Với quan niệm: “Cười vui đẩy lùi bệnh khổ”, từ năm 1970, ông ấp ủ mong muốn dùng tiếng cười như là một phương pháp trị liệu để chữa bệnh, nhất là những bệnh phát xuất từ cái tâm. Ông tập trung sáng tác vào năm 2000. Làm thơ thì không có gì mới. Nhưng làm thơ ngụ ý chữa bệnh thì quả là hiếm. Ông đã hoàn thành cuốn “Từ điển cười” với cái tên y học là “Tiếu liệu pháp”, giải thích từ vựng dưới góc độ thơ hài hước. Cuốn sách đề cập đến mọi góc độ khác nhau của con người trong cuộc sống như: CƯỜI (tác giả đưa ra 106 cách hài hước khác nhau), CHẾT (135 góc cạnh để cười), hay ĂN (có 53 cách)… Phương châm của tác giả khi viết “Từ điển cười - Tiếu liệu pháp” đã được ông gửi gắm trong những câu thơ sau: “Luôn biết mình dốt, để gột tính kiêu, để yêu như mới, để cởi mối hiềm, để thêm tinh tiến”. Trong lời giới thiệu cuốn sách, bác sĩ Trương Thìn - Chủ tịch Hội Đông Y TP.HCM đã viết: “Thiên Thư làm y thơ, tiếu liệu pháp, ai cũng cười, cười phá được khổ đau, cười òa trong giác ngộ…”. “Từ điển cười - Tiếu liệu pháp” là một phương cách sử dụng sự hài hước, tiếng cười để chữa tâm bệnh và Phạm Thiên Thư là người Việt Nam đầu tiên biên soạn từ điển cười.

Khiết Linh (2015, tham khảo thêm tư liệu đồng nghiệp)

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO