Duyên nợ giữa nhà khoa học và người "cuồng" sâm

Đăng bởi : Diễn Đàn Doanh Nhân Toàn Cầu . Ngày : 2023-10-08 09:36:00
 

Một nhà khoa học có hơn 40 năm nghiên cứu sâm Ngọc Linh và người sở hữu bộ sưu tập sâm được coi là lớn nhất Việt Nam gặp nhau. Rồi họ dành tất cả tấm lòng cho sâm quốc bảo. Đó là GS-TS Nguyễn Minh Đức và ông Nguyễn Tấn Việt.

Tôi may mắn nhiều lần được gặp GS-TS Nguyễn Minh Đức và ông Nguyễn Tấn Việt. Ông Việt là một người “cuồng” chính hiệu sâm Ngọc Linh, chủ của Bảo tang sâm Ngọc Linh tư nhân đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam (Q.Tân Phú, TP.HCM).

Còn GS Nguyễn Minh Đức là người học trò đầu tiên được TS Nguyễn Thới Nhâm - nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm Việt Nam, người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu sâm Ngọc Linh - tiến cử sang Nhật Bản thực hiện đề tài tiến sĩ về sâm Ngọc Linh vào năm 1992, qua đó đã chứng minh và công bố quốc tế thành phần saponin phong phú và độc đáo của sâm Ngọc Linh, cây sâm quý không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Cách đây mấy năm, ông Việt tiết lộ: “Tôi đã thuyết phục được thầy Đức về giúp xây dựng trung tâm kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh rồi”.

GS Nguyễn Minh Đức và ông Nguyễn Tấn Việt (áo trắng) trong một chuyến đi thăm vườn sâm Ngọc Linh

Duyên nợ

Mới đây, ông Nguyễn Tấn Việt mời tôi đến để nghe GS Nguyễn Minh Đức chia sẻ về Trung tâm Kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh cũng như để thưởng thức dòng rượu sâm Ngọc Linh mới. Với tôi, gặp vị giáo sư này đã rất vinh dự rồi, huống hồ được ngồi uống rượu quý cùng ông. Sau vài chén rượu, ông Việt bộc bạch: “Dường như tôi và thầy Đức có duyên nợ với nhau và với sâm Ngọc Linh. Thầy có bao nhiêu học trò giờ làm chủ doanh nghiệp muốn mời, nhưng lại đồng ý về giúp tôi, dù tôi không phải học trò của thầy”.

GS Đức ôn tồn chia sẻ sở dĩ ông nhận lời hỗ trợ chuyên môn cho ông Nguyễn Tấn Việt vì ông Việt có cái tâm tốt với cây sâm quốc bảo của đất nước. Và giáo sư đồng điệu với cái tâm của con người yêu sâm Việt đặc biệt này qua từng bước đi trong việc sưu tầm, bảo tồn, sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh…

“Lần đầu tiên đến bảo tàng, tôi rất bất ngờ khi thấy một bộ sưu tập sâm Ngọc Linh hiếm có mà anh Việt âm thầm đầu tư nhiều công sức, tiền của để có được. Duyên nợ và tình yêu sâm Ngọc Linh của anh Việt lớn lắm…”, ông kể.

GS Nguyễn Minh Đức và ông Nguyễn Tấn Việt (áo đỏ).

Có một chuyện thú vị khi tôi cùng GS Đức, TS Lê Thị Hồng Vân và ông Việt lên thăm một vườn sâm Ngọc Linh ở Lâm Đồng. Trong bữa cơm trưa, ông Việt đem chai rượu luyện sâm Ngọc Linh do ông “sáng chế” ra mời cả đoàn. Giáo sư gật gù tán thưởng hương vị độc đáo của loại rượu mà ông Việt nói là “ngủ trong sương và tắm trong nắng” này.

Vị giáo sư nói ông đã có nhiều dịp thưởng thức rượu sâm Ngọc Linh, nhưng rượu sâm luyện của ông Việt không chỉ ngon mà hương vị rất lạ. Tuy nhiên, vị GS-TS hiện là giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn băn khoăn không biết trong rượu có thêm dược liệu gì khác không. Vì thế, ông đã lấy phần rượu còn lại mang về kiểm nghiệm, phân tích.

“Kết quả là chỉ có độc vị sâm Ngọc Linh”, GS Minh Đức cho hay. Và từ đó, kết quả nghiên cứu khoa học đề tài: “Nghiên cứu đánh giá chất lượng và kiểm nghiệm rượu luyện sâm Ngọc Linh” do GS-TS Nguyễn Minh Đức chủ trì đã được Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM thẩm định và xác nhận với các tiêu chí khoa học chặt chẽ.

Thấu hiểu cái tâm đối với cuộc đời, đối với sâm quốc bảo của ông Việt nên GS Đức khó lòng từ chối khi được mời về giúp người đàn ông “cuồng sâm” này xây dựng phòng lab hiện đại để kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh nhằm đảm bảo tính chính xác của các hiện vật trong bảo tàng và chất lượng các sản phẩm sâm Ngọc Linh của chính mình.

“Ít người chịu bỏ ra một số tiền lớn đầu tư phòng lab hiện đại để kiểm tra chất lượng sâm của chính mình như thế. Phòng kiểm nghiệm chất lượng này hoàn toàn độc lập với bảo tàng và bộ phận sản xuất, nhiều hiện vật và lô sản phẩm giá trị lớn nhưng qua kiểm tra không đạt đều phải loại bỏ”, GS Đức cho hay.

Luôn trăn trở vì sâm quốc bảo

GS Nguyễn Minh Đức trăn trở: “Sâm Ngọc Linh là cây sâm quý đặc hữu mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam. Khi đã biết giá trị và coi là sâm quốc bảo, thì phải làm thế nào đưa đến được với nhiều người tiêu dùng Việt, chứ không nên chỉ dành riêng cho những người nhiều tiền. Và nhất là phải thực hiện được ý chí của Chính phủ biến sâm quốc bảo trở thành “quốc kế dân sinh” cho nhiều người dân”.

Ông Việt giới thiệu Bảo tàng sâm Ngọc Linh của mình.

Trong thực tế, sâm Ngọc Linh tự nhiên hiện gần như biến mất do bị khai thác cạn kiệt còn sâm trồng thì lại được canh tác chủ yếu theo phương pháp thủ công truyền thống dưới tán rừng nên năng suất và sản lượng còn thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Ông Việt cho biết thêm: “Chính vì cung không đáp ứng đủ cầu, giá sâm Ngọc Linh ngày càng cao, các loại sâm khác lưu hành vàng thau lẫn lộn, thị trường mua bán sâm Ngọc Linh hiện nay rất bất cập. Cây sâm Ngọc Linh là một “quý vật”, nên phải đến với nó bằng cái tâm. Đừng chỉ vì lợi nhuận để làm mai một uy tín của quốc bảo mà hãy phát triển sâm Ngọc Linh vì cộng đồng, vì niềm tự hào của sâm Việt…”.

Trước khi chia tay hai con người - một tình yêu sâm Việt hiếm có này, ông Việt thổ lộ: “Chúng tôi sẽ dồn hết tâm huyết hiện thực hóa giấc mơ đưa sâm quốc bảo trở thành các sản phẩm phổ biến có chất lượng cao để nhiều người Việt có thể mua dùng và tiến tới xuất khẩu”. Tôi tin, với cái tâm đồng điệu và nhiệt huyết của họ thì nguyện ước của ông Việt sẽ không còn là giấc mơ.

Sâm Ngọc Linh là cây sâm quý, quốc bảo của đất nước. Vấn đề cốt lõi hiện nay là sản lượng của sâm Ngọc Linh còn rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến tình trạng bất cập về giá cả và chất lượng các sản phẩm trên thị trường. Chúng ta cần chung tay đẩy mạnh trồng trọt sâm Ngọc Linh, trong đó đặc biệt quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, tạo ra sản lượng sâm Ngọc Linh hàng hóa cùng nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng với chất lượng cao và giá cả phù hợp để sâm Ngọc Linh có thể phục vụ nhân dân rộng rãi và tiến tới xuất khẩu. Với tiềm năng và giá trị của một cây thuốc quý, sâm Ngọc Linh luôn mời gọi và có thừa chỗ cho nhiều nông dân, doanh nhân, nhà khoa học… tham gia phát triển sâm quốc bảo này bằng cái tâm thiện lành qua đó mang lại lợi ích cho mình và xã hội (GS-TS Nguyễn Minh Đức).

Theo Quang Viên.Duyên nợ giữa nhà khoa học và người 'cuồng' sâm (thanhnien.vn)

 

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO