Cộng đồng người Việt ở Séc là tấm gương sáng về đoàn kết và tình yêu quê hương

Đăng bởi : Thế giới doanh nhân Sao Việt . Ngày : 2022-08-08 19:41:25
 

(ceotoancau.vn) Cộng đồng người Việt ở Séc là cộng đồng nổi tiếng về gìn giữ văn hóa dân tộc quê hương, điển hình là tổ chức các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên đán, Lễ Vu lan, Tết Trung thu…

Người Việt - cộng đồng đặc biệt trên đất Séc 

Theo số liệu của Học viện Ngoại giao Việt Nam năm 2012, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có trên 4 triệu người, phân bố không đồng đều tại 103 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Có tới 98% trong số này tập trung ở 21 quốc gia thuộc Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Châu Đại Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Séc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định cộng đồng người Việt ở Séc là tấm gương sáng về đoàn kết và tình yêu quê hương (Nguồn: TTXVN).

Với khoảng 70 nghìn người, cộng đồng người Việt ở Séc là một trong những cộng đồng người Việt lớn ở châu Âu. Nhiều người Việt sang Séc theo diện xuất khẩu lao động những năm 1980 đã ở lại gắn bó với đất nước Đông Âu xinh đẹp này. Tiếp đó, nhiều người đã chọn Séc là nơi sinh sống, học tập làm ăn. Nếu như ở nhiều quốc gia khác, người Việt thường phải thuê cửa hàng trong các trung tâm thương mại do người bản địa hoặc người Hàn Quốc, Trung Quốc… làm chủ, thì ở Séc không ít trung tâm thương mại do người Việt đứng lên làm chủ. Nổi bật trong đó là Trung tâm thương mại Sapa ở Thủ đô Praha. Cộng đồng người Việt có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội Séc. Người Việt hội nhập sâu sắc vào xã hội Séc, nhất là thế hệ thứ hai, thứ ba, những người sinh ra, lớn lên tại Séc.

Thời gian đầu đặt chân đến Séc, phần đông cộng đồng người Việt chỉ tập trung làm ăn, buôn bán nhỏ, ít có các hoạt động tương tác với cộng đồng bản xứ. Dần dần, người Việt hội nhập tốt hơn với cộng đồng. So với những cộng đồng gốc nước ngoài khác, người Việt cũng là một cộng đồng lớn, với dân số đông thứ ba tại Séc. Chính quyền trung ương và các địa phương tại Séc luôn tạo điều kiện cho người Việt tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống, các lớp học tiếng Việt, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa người bản địa với người Việt hay các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các sắc dân thiểu số... Vì thế, năm 2013, Quốc hội Cộng hòa Séc đã quyết định công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 ở quốc gia này.

Một nhà hàng Việt Nam tại Cộng hòa Czech (Nguồn: Alamy).

Ngày 3/7/2013, Chính phủ Cộng hòa Séc đã nhóm họp và ra nghị quyết công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thứ 14 của nước này. CH Séc có 14 dân tộc thiểu số được chính thức công nhận là Bulgaria, Croatia, Hungary, Đức, Ba Lan, Romania, Ruthenia, Nga, Hy Lạp, Slovakia, Serbia, Ukraine, Belarus và Việt Nam. Quyết định trên là một mốc lịch sử đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Cộng hòa Séc nói riêng. Theo ông Đỗ Xuân Đông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại CH Séc, ý nghĩa lớn nhất từ quyết định kể trên là cộng đồng người Việt được bình đẳng với các dân tộc khác đang sinh sống trên lãnh thổ Séc. Bên cạnh đó, do CH Séc là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nên những người trong dân tộc thiểu số của EU nói chung và CH Séc nói riêng sẽ được đầu tư, được bảo tồn văn hóa dân tộc và ngôn ngữ cũng như chữ viết của mình. Đại sứ Đỗ Xuân Đông cho hay, mỗi năm EU sẽ trích ra một khoản ngân quỹ để đầu tư cho các dân tộc thiểu số trong liên minh và CH Séc cũng trích ra một phần ngân quỹ để đầu tư cho các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên lãnh thổ nước này.

Sau khi được công nhận là một dân tộc thiểu số ở Séc, chính quyền Séc đã có nhiều hỗ trợ cho cộng đồng người Việt trong bảo tồn văn hóa, dạy tiếng Việt cũng như các hoạt động xã hội khác. Ngày càng nhiều lớp dạy tiếng Việt được mở trên khắp đất nước, tạo điều kiện cho con em người Việt học tập. Các lớp học đều được tổ chức miễn phí với sự trợ giúp của các mạnh thường quân. Biết đọc, biết viết tiếng Việt tạo nền tảng cho thế hệ trẻ yêu mến quê hương, trân trọng nguồn cội hơn. Đó là cơ sở để cộng đồng người Việt tiếp tục gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa Việt trên đất Séc. 

Một cộng đồng Việt đặc biệt tại Czech (Nguồn Báo Thế giới và Việt Nam).

Những năm gần đây, người dân Séc nói riêng và người châu Âu nói chung ngày càng quan tâm hơn về văn hóa, con người và ẩm thực Việt Nam. Họ rất ngưỡng mộ hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống duyên dáng, những làn điệu quan họ, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới của Việt Nam. Người Việt tại Séc đã từng bước xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, làm quen với phong tục, tập quán, tuân thủ luật pháp nước sở tại, sẵn sàng chia sẻ với người dân sở tại trong những lúc khó khăn, được chính phủ và người dân nước này công nhận là một cộng đồng mang lại lợi ích cho đất nước Séc trong hiện tại và tương lai.

Với mong muốn người dân Séc hiểu biết nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam, rất nhiều sự kiện quảng bá văn hóa, phong tục tập quán, du lịch Việt Nam đã được tổ chức tại hầu hết các địa phương trên khắp cả nước Séc. Người Việt Nam tại Séc luôn hướng về quê hương, biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Bà con luôn nhiệt tình tham gia các chương trình quyên góp ủng hộ các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, hay chia ngọt sẻ bùi với nhiều hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà.

Tưng bừng lễ hội văn hóa truyền thống Việt trên đất Séc

Cộng đồng người Việt ở Séc rất tích cực tổ chức các Ngày hội Văn hóa, tham gia Lễ hội Các dân tộc thiểu số Séc để giới thiệu văn hóa của mình, giao lưu với người bản địa và các dân tộc khác. Nhiều năm liên tục, người Việt tham gia Lễ hội Các dân tộc thiểu số Séc. Nhiều món ăn của người Việt hay hình ảnh tà áo dài của phụ nữ Việt đã trở nên quen thuộc ở nơi này.

Chương trình trình diễn áo dài Việt Nam trên Quảng trường Phố cổ Prague. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho rằng: Các hoạt động giao lưu văn hóa của người Việt ở Séc có ý nghĩa đặc biệt, đây là dịp để đoàn tụ, chăm sóc và chia sẻ thương yêu đến các thành viên trong gia đình. Đây còn là dịp để người Việt gìn giữ và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc đó cho cộng đồng sở tại để họ hiểu thêm về bản sắc văn hóa của người Việt. Điều này sẽ góp phần làm cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng, bền vững vào xã hội Séc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Cộng hòa Séc.

Đại sứ Thái Xuân Dũng tặng hoa chúc mừng Đại lễ Phật đản (Nguồn: TTXVN).

Một trong những sự kiện nổi bật mà người Việt tham gia để giới thiệu văn hóa của mình là Lễ hội Hành tinh màu (vùng Ústecký ở Bắc Cộng hòa Séc) do Hội đồng Dân tộc thiểu số và Trung tâm Hội nhập vùng Ústecký tổ chức. Sau một năm bị hoãn bởi dịch bệnh, Lễ hội Hành tinh màu năm 2021 được kết hợp với Lễ hội Các dân tộc thiểu số Séc. Được tổ chức tại công viên trung tâm thành phố, cộng đồng người Việt đã tổ chức nhiều không gian khác nhau. Khu vực ẩm thực được bà con chế biến và giới thiệu các món như: Nem rán, các món chè, bánh rán, bánh Trung thu, cà phê và trà Việt Nam… Không gian trình diễn văn nghệ được các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” trình diễn các tiết mục hát quan họ, hát chèo… Ngoài ra, cộng đồng người Việt còn tổ chức trò chơi đố vui có tên gọi “Thử thách nói tiếng Việt” để hướng mọi người tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam và được rất đông khán giả hưởng ứng và sôi nổi tham gia.

Trong thời gian dịch bệnh năm 2021, ngoài chương trình Tết Nguyên đán, cộng đồng người Việt còn tổ chức Lễ Vu Lan báo hiếu tại Trung tâm thương mại Sa Pa (Thủ đô Praha). Đại lễ Vu Lan 2021 được tổ chức trong không khí trang trọng, ấm cúng với nhiều nghi lễ Phật giáo như cung thỉnh chư tôn đức, niệm Phật cầu gia, lễ bông hồng cài áo và thắp nến tri ân. Sau khi tiến hành các nghi lễ, mọi người đã được nghe pháp thoại về ý nghĩa nhân văn của lễ Vu Lan, trong đó có đạo lý uống nước nhớ nguồn, luôn nhớ tới tổ tiên, kính trọng lễ phép với ông bà, hiếu thảo với mẹ cha… Ông Châu Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết: “Hàng năm chúng tôi đều tổ chức Lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan là dịp để cho quý phật tử và bà con cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, cầu nguyện cho đất nước Việt Nam và các nước trên thế giới vượt qua đại dịch và cũng để truyền bá văn hóa của người Việt Nam chúng ta cho thế hệ thứ 2 và thứ 3”.

Sắc màu cờ Việt Nam bừng sáng tại Lễ hội các dân tộc thiểu số tại Séc (Nguồn: Vietnam+). 

Đã nhiều lần Tết Trung thu Việt Nam được tổ chức, bởi thế Tết Trung thu Việt Nam trong con mắt người bản địa là một dịp sinh hoạt văn hóa đầy thú vị. Nhiều em nhỏ người Séc cũng có mặt và vui Trung thu với chiếc đèn lồng trên tay. Trong ngày vui ấy, Hội người Việt Nam tại Bắc Morava và Ostrava đã tuyên dương những em học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Nhiều quan chức đại diện của vùng Bắc Morava và TP Ostrava cũng có mặt. Phó Thị trưởng Ostrava, ông Prazak Zbynek bày tỏ vui mừng cùng các quan chức của Séc tham dự chương trình vui Tết Trung thu năm 2021 của cộng đồng người Việt, đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức sự kiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Cộng hòa Séc đã được kiểm soát có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên, khích lệ thế hệ trẻ người Việt tại Séc trong quá trình sinh sống và học tập tại quê hương thứ hai.

Tại chương trình vui Tết Trung Thu do Hội người Việt Nam tại Bắc Morava và thành phố Ostrava tổ chức. Trên sân khấu, tiếng trống cùng điệu múa lân rộn ràng không chỉ cuốn hút các em nhỏ mà còn chinh phục những vị khách mời bản địa. Các em nhỏ tham dự chương trình đều có quà tặng là những chiếc đèn lồng, đèn ông sao xinh xắn.

Màn múa lân truyền thống mở màn lễ hội đón Tết trung thu trên đất Séc (Nguồn: vov).

Các lễ hội của cộng đồng người Việt tại Séc không chỉ là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu sau thời gian gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 mà còn là dịp để các bậc làm cha mẹ giáo dục con cái về truyền thống văn hóa cội nguồn dân tộc Việt Nam.

So với những cộng đồng người Việt khác trên thế giới, người Việt ở Séc có nét đặc biệt khi đã được công nhận là một dân tộc thiểu số tại quốc gia Đông Âu này. Việc trở thành một dân tộc thiểu số ở Séc cho thấy sự hội nhập thành công của người Việt tại nước ngoài. Hiện nay, người Việt ở Séc đã có thế hệ thứ ba.

Ngọc Linh (tổng hợp)

 

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO