Sư thầy Thích Nhuận Tâm & những bộ sưu tập đá cảnh nghệ thuật kỷ lục

Đăng bởi : Hoa Nắng . Ngày : 2021-01-05 16:19:03
 

(ceotoancau.vn) Trong các thú chơi tao nhã như chơi cá, chơi chim, chơi xe, chơi cây cảnh, chơi đồ cổ…, chơi đá cần lắm kỳ công. Bởi ngoài ý nghĩa “ngoạn thạch” như một cách chơi sang trọng thì người chơi phải mất nhiều thời gian, tài chính, kiến thức, còn cần “may mắn” trong việc sưu tầm, hòa mình với thiên nhiên, tưởng tượng và thăng hoa mới nhận ra vẻ đẹp độc đáo của những tác phẩm đang “ẩn mình”. Về đẳng cấp chơi đá cảnh nghệ thuật, mời bạn đến thăm Thượng tọa Thích Nhuận Tâm - Trụ trì chùa Lá (quận Gò Vấp, TP.HCM) để thưởng lãm bộ sưu tập kỷ lục đá cảnh nghệ thuật.

Măt dựng chùa Lá nhìn ra một con hẽm nhỏ ở xóm ven sông dưới chân cầu Chợ Cầu 1 (Quang Trung, Q.Gò Vấp).

Kho báu chốn thiền môn 

Khi hỏi đường về ngôi chùa Lá của sư thầy Thích Nhuận Tâm, tôi được một Phật tử giới thiệu như vậy. Chị còn nói: Khắp trong Nam ngoài Bắc, nếu bạn muốn hỏi thăm đường về một chốn từ bi có tên “Chùa Lá dạy ngoại ngữ miễn phí” chắc có lẽ ít ai mà không biết. Đó là một ngôi chùa nghèo nằm yên bình trong con hẽm nhỏ, mặt sau chùa là Trung tâm dạy ngoại ngữ từ thiện bên dòng kênh nhỏ dưới chân cầu Chợ Cầu 1 (Quang Trung, P14, Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Lá dừa chưa đủ che mưa

Mà đạo hạnh đã trải thừa trần gian

Ai hay một tấm lòng vàng

Gấp trong manh áo đại tràng - Nhuận Tâm”

                                                                             (Nhà thơ Bảo Trì)

Tìm đường về cõi tịnh có tên “chùa Lá Gò Vấp” không khó. Sư thầy Thích Nhuận Tâm với ánh mắt hiền từ, thần thái khoan thai của bậc đạo hạnh vui vẻ hướng dẫn tôi lên chánh điện lạy Phật. Tượng Phật đẹp và uy linh trầm mặc trong khói hương bãng lãng và không gian yên bình.

Sư thầy Thích Nhuận Tâm đam mê nghiên cứu và đã sưu tầm được những bộ sưu tập đá cảnh nghệ thuật "độc bản" xứng đáng xếp hàng kỷ lục.

Vì chùa nghèo nên chiếc bàn nơi phòng tiếp khách cũng là bàn ăn cơm, đồ vật sinh hoạt của các sư tăng trông thật cũ kỹ và đơn sơ. Sư thầy từ tốn rót nước mời tôi và kể chuyện. Thầy có đạo danh là Thích Nhuận Tâm, tên thật là Huỳnh Kính, quê ở xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Thầy mộ đạo và đi tu từ nhỏ. Lưu lạc vào Nam, học xong khoa Ngữ văn - trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM). Sau nhiều năm hành đạo ở nhiều nơi, thầy về nơi này dựng lên ngôi chùa Lá và hành đạo tại đây. Thời đó, vùng đất này còn hoang vu, hẻo lánh. Rất nhiều người dân lao động nghèo tìm tới đây cất nhà ở. Hoàn cảnh khó khăn khiến con cái họ không có điều kiện đi học và bị mù chữ. Động lòng trắc ẩn, thầy Tâm liền mở một lớp học dạy chữ miễn phí và vận động mọi người cho con em tới học. Cảm động trước tấm lòng của nhà sư, dân quanh vùng đem con em tới nhờ thầy dạy cho cái chữ. Lớp học ngày một đông, chùa thì chật chội nên không đủ chỗ. Về sau, một số mạnh thường quân đã mua tặng thêm mảnh đất nhỏ trước chùa, xây nhà cấp 4 để làm lớp học. Đó cũng là bước đệm để sau này thầy quyết định mở trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (khai trương ngày 17/12/2010). 

“Nghề chơi cũng lắm công phu”

“Có thể nói chơi đá cảnh là thú chơi lành mạnh, đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn. Người chơi khi bỏ công sức sưu tầm, trau chuốt, bày biện và chiêm ngưỡng, đôi khi có thể rút ra được nhiều triết lý sống sâu xa. Yếu tố đầu tiên của đá quý là nặng và mát, người có khả năng có thể cảm nhận được năng lượng trong đá”, thầy Tâm vừa nói vừa dẫn tôi đi xem kho báu quý giá mà thầy đã dày công sưu tầm sau thời gian dài. Đặc biệt là các khối đá quý có hình 12 con giáp “Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi” đang trưng bày bên cạnh tượng Phật Quan Âm dưới mái hiên chùa. Còn kia là bộ sưu tập đá theo Phật tích và Bản đồ Việt Nam.

Sư thầy Thích Nhuận Tâm bên cạnh các tác phẩm đá cảnh có hình điển tích Phật giáo.

Sư thầy trầm giọng: “Theo phong thủy, đá có khả năng tăng cường sức mạnh tinh thần, mang lại nhiều may mắn và thành công. Ngắm nhìn những khối đá lớn, mỗi người có cảm nhận khác nhau, liên tưởng tới con người, sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Chơi đá cảnh nhiều năm, thầy nhận thấy chúng có sự biến hóa. Mỗi viên đá cảnh đều mang nhiều sắc thái khác nhau, riêng biệt. Thưởng ngoạn đá cảnh lâu năm, thầy như nghe ra ngôn ngữ của chúng. Mỗi khi nhặt được viên đá nào, thầy đều nhìn ra, gán cho chúng một hình tượng và làm thơ tặng đá”.

Thầy Nhuận Tâm từ tốn đưa tay nâng niu viên đá có hình Quan Âm Nam Hải vừa đọc:

“Cưỡi trên sóng gió biển mê

Cứu người thoát khổ đưa về tự tâm”

Vừa hướng về những khối đá cảnh có nét đẹp bi hùng và trầm mặc, thầy ngâm tiếp:

“Hồn của đá một đời thầm lặng

Dẫu thăng trầm dâu bể vẫn an nhiên”

Thầy kể: Khi tôi nhặt được hòn đá có hình trái tim thì liên tưởng ngay đến trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức và bật ra hai câu:

“Lửa tam muội tắt hận thù

Trái tim Bồ Tát thiên thu sáng ngời”

Không chỉ làm thơ cho những hòn đá có liên quan đến Phật tích, thầy Tâm còn làm thơ về những hòn đá thiên nhiên đẹp như hòn đá hình hoa hồng:

“Dâng tặng người một đóa hồng sỏi đá

Trổ màu vô sắc hóa hư không”

Vuốt ve thật lâu khối đá có dáng hình Việt Nam, thầy Nhuận Tâm tự hào cho biết tác phẩm này đã được cơ quan chuyên môn kiểm định cùng với bộ sưu tập 12 con giáp và cũng đi vào thơ ca:

“Việt Nam khí tụ nguyên hình

Bốn ngàn năm vẫn uy linh sơn hà”

Đá cảnh nghệ thuật hình Kim tự tháp.

Thầy Thích Thuận Tâm tiếp tục dẫn tôi đến ngắm khối đá to đặt bên dòng kênh trước trung tâm ngoại ngữ, dùng tay đánh khè vào khối đá thì nghe vang lên tiếng ngân như từ cõi xa xăm vọng lại. Thầy Tâm mỈm cười cho biết, ông đã lặn lội khắp nơi tìm những khối đá tốt mang về chế tác thành đàn. “Đam mê đàn đá bắt nguồn từ sở thích sưu tầm những loại đá phong thủy. Có nhiều loại đàn đá từ loại nhỏ chỉ vài phiến đá đến những loại lớn có trọng lượng có thể lên đến hàng tấn”.

Sự phụ Thích Nhuận Tâm gõ đàn đá vang lên như chuộng ngân.

Ông Nguyễn Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Đá quý Việt Nam, đại diện đơn vị kiểm định bộ sưu tập đá quý của thầy Nhuận Tâm cho biết: Dựa vào đặc tính cấu trúc tinh thể cấu thành nên các khối đá qua kiểm định cho thấy hình dáng và màu sắc ấy là hoàn toàn tự nhiên, không có sự tác động của  con người. Thành phần “cát kết” nằm trong hang đá, vách núi, khe suối qua hàng triệu năm trái đất biến đổi đã bị dòng nước ngầm hay nước trong khe suối chảy qua làm bào mòn, tạo thành những khối đá có màu sắc và hình ảnh thế này, khi rớt xuống suối được giới sưu tầm tình cờ nhặt được. Thượng tọa Nhuận Tâm cho biết thêm, có người đã hỏi mua toàn bộ bộ sưu tập đá thiên nhiên này với giá 2 tỷ đồng, riêng bộ sưu tập Bản đồ Việt Nam được hỏi mua với giá 500 triệu đồng nhưng thầy không bán. “Tiền thì có thể kiếm được nhưng đá quý mất đi sẽ không thể tìm lại được. Đó là lý do tôi lưu lại để Phật tử gần xa có cơ hội chiêm ngưỡng những tuyệt tác này của thiên nhiên”.

Những sản phẩm đá cảnh nghệ thuật đạt Huy Chương Vàng.

Theo kiến thức còn hạn hẹp của tôi thì đá là món quà vô giá do thiên nhiên tạo ra với nhiều hình dạng khác nhau như thạch anh, ruby, gỗ hóa thạch, cát hóa thạch… Để chơi được đá cảnh, những người chơi đá cảnh chuyên nghiệp phải có sự đam mê và 90% do yếu tố cảm nhận tự nhiên của con người mới thấy được vẻ đẹp của đá. Nhưng mê đá và chơi đá đạt mức đẳng cấp và kỳ công như sư thầy trụ trì chùa Lá có lẽ “xưa nay hiếm”. Bộ sưu tập của thầy với những viên đá có hình dáng đẹp, sống động, hài hòa, hình ảnh và màu sắc độc đáo được ví như những tuyệt tác từ thiên nhiên “có một không hai” đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn.

Trần gian có tấm lòng vàng

Với tâm nguyện đi tu là để “có điều kiện lo phụng sự cho đời, cho người”, thầy Nhuận Tâm đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - văn nghệ, những chuyến cứu trợ hầu như khắp cả nước. Nhiều năm nay, thầy cùng một số bằng hữu văn nghệ sĩ như các nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa, Trần Từ Duy, Bích Hữu Hồ, Lê Triều Điển... tổ chức sự kiện Ngày thơ Việt Nam có trưng bày đá cảnh do chính thầy sưu tập, bán lấy tiền làm từ thiện. Mỗi năm, thầy “chơi” một món khác nhau. Năm thì chơi rễ tre có hình Đạt Ma Sư tổ, năm thì chơi gỗ thiên nhiên, những năm gần đây, thầy lại “mê” chơi đá cảnh.

Giấy chứng nhận kiểm định của bộ sưu tập đá cảnh 12 con giáp là đá hoàn toàn tự nhiên.

Đá cảnh nghệ thuật hình con chuột (TÝ)

Đá cảnh nghệ thuật hình con trâu (SỬU)

Đá cảnh nghệ thuật hình con cọp (DẦN)

Đá cảnh nghệ thuật hình con mèo (MẸO)

Đá cảnh nghệ thuật hình con rồng (THÌN)

Đá cảnh nghệ thuật hình con rắn (TỴ)

Đá cảnh nghệ thuật hình con ngựa (NGỌ)

Đá cảnh nghệ thuật hình con dê (MÙI)

Đá cảnh nghệ thuật hình con khỉ (THÂN)

Đá cảnh nghệ thuật hình con chó (TỨC)

Đá cảnh nghệ thuật hình con gà (DẬU)

Đá cảnh nghệ thuật hình con heo (HỢI)

Đến nay, thầy Nhuận Tâm đã có hàng trăm tác phẩm đá cảnh. Một số tác phẩm ông đã bán làm từ thiện. Năm 2007, ông bán đấu giá bình tre tại Đà Lạt; năm 2009, ông cùng bạn bè văn nghệ sĩ tổ chức bán tranh, thư pháp tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM ủng hộ cho các nạn nhân bị bệnh hiểm nghèo, một Phật tử nói thầy còn tổ chức Lễ hội hát bài chòi ở TP.HCM... Ở quê, thầy Nhuận Tâm còn được cho đất mở Khu văn hóa tâm linh tại Xen Thơm, xã Tam Mỹ, tỉnh Quảng Nam.

Làm thơ, viết thư pháp, vẽ tranh, chơi đá quý, mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí, phát gạo tặng quà cho người nghèo... Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện phụng hiến cho đời của thầy Nhuận Tâm.

“Cuộc đời sắc sắc không không

Trăm năm có một tấm lòng mà thôi”

Sư thầy Thích Nhuận Tâm bên bộ sưu tập đá cảnh nghệ thuật hình bản đồ Việt Nam và giấy chứng nhận.

Từ giã chùa Lá ra về, bước chân tôi cảm thấy nhẹ nhàng, tâm hồn dường như thư thái hơn, vẳng đâu đây còn âm vang tiếng đàn đá huyền dịu và hình ảnh những khối đá kỳ lạ. Tôi chợt ngâm nga bài thơ thầy vừa sáng tác:

“Bàn tay mẹ thiên nhiên kỳ diệu

Núi rừng trầm mặc tụ khí thiêng

Tạc muôn vẽ siêu hình thể điệu

Dáng Nước Nam hùng vĩ thiêng liêng

Mười hai con giáp tâm linh quá

Chi phối đời người gẫm thịnh suy

Nhà Sàn y nguyên như hình tạc

Chuông Đá ngân vang cửa từ bi

Phật Thành Đạo ngàn xưa hiển hiện

Trái Tim Bất Tử vẫn nguyên hình

Đạt Ma Sư Tổ ngồi diện bích

Ngài Quan âm độ tận chúng sinh

Xin nghiêng mình tri ân tuyệt tác

Đá thổi hồn vào cõi nhân gian

Tất cả đều núi rừng diệu khắc

Dâng tặng đời trọn nghĩa giang san”

(Kỳ Diệu Thiên Nhiên, Như Không)

Trung tâm ngoại ngữ tại chùa Lá có phần đặc biệt vì đây là nơi học tập miễn phí các thứ tiếng Anh, Hoa, Nhật, Pháp, Đức của hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo trên địa bàn TP.HCM. Các giáo viên dạy ngoại ngữ ở chùa hầu hết là người có chuyên môn cao, đang công tác, giảng dạy ở các trường đại học, trung tâm lớn của thành phố. Hiện tại, Trung tâm có 80 lớp học với hơn 3000 học viên/khóa 3 tháng được chia thành nhiều ca học xen kẽ các ngày trong tuần. Ban đầu, Trung tâm chỉ có các lớp tiếng Anh, tiếng Hoa và Nhật, sau này do nhu cầu của người học nên nhà chùa mở thêm lớp tiếng Đức và tiếng Pháp. Tuy nhiên, một trung tâm ngoại ngữ mới chỉ có 2 phòng học khá chật chội nên việc sắp xếp các ca học cho số lượng học viên đông đảo trở nên khó khăn hơn. Thầy Thích Nhuận Tâm chia sẻ: Thầy mong muốn có điều kiện mở rộng các lớp học và sắp tới Trung tâm sẽ mở thêm lớp tiếng Hàn vì có nhiều em có nhu cầu học ngoại ngữ này. Bên cạnh việc học các ngoại ngữ miễn phí tại Trung tâm, các em sinh viên còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa rất ý nghĩa do thầy Tâm tổ chức như tặng quà cho trẻ em mồ côi, phát gạo cho người nghèo... Hãy một lần đến và cảm nhận những giá trị nhân văn đang tồn tại giữa cõi nhân sinh này. 

Tất cả việc làm của thầy Nhuận Tâm đều xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện phụng hiến cho đời của một bậc chân tu Phật pháp. 

Vi Hằng

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO