'ST25 đang số 1 thế giới, giờ số 2, nói sao cho người ta hiểu đây?'

Đăng bởi : Hoa Nắng . Ngày : 2020-12-09 03:50:18
 

TTO - Năm 2020, Việt Nam đưa gạo ngon nhất thế giới 2019 là ST25 đi thi World's Best Rice tại Mỹ nhưng chỉ được giải nhì, nhận được phản ứng trái chiều của nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp ngành gạo.

Năm 2019, gạo ST25 được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên một loại gạo của Việt Nam được nhận giải cao nhất của cuộc thi này sau 11 lần tổ chức.

Đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục đưa gạo ST25 và một số loại gạo khác đi thi World's Best Rice tại Mỹ, chỉ có ST25 đạt giải, nhưng là giải nhì. Giải nhất thuộc về gạo Hom Mali của Thái Lan.

"Đang số 1, giờ số 2, nói sao cho người ta hiểu đây?"

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM), sau khi nhận được thông tin gạo ST25 giảm một bậc so với năm ngoái.

Ông Tùng cho hay tháng 11-2019 khi gạo ST đạt giải gạo ngon nhất thế giới tại Philippines, ông đã tìm mua và dùng thử rồi thấy quá ngon và quyết định sẽ đưa loại gạo này sang Mỹ bên cạnh các loại trái cây tươi xuất khẩu lâu nay. 

Danh xưng World's Best Rice là một cơ hội cực kỳ lớn để tiếp thị tới người tiêu dùng tại Mỹ, qua đó sẽ tăng sản lượng bán và giá trị hạt gạo Việt Nam.

"Nói tới gạo mua về nấu cơm ở các nước phát triển thì trước giờ người ta không có khái niệm gạo Việt Nam. Gạo Việt Nam chỉ mua về làm cơm chiên hay chế biến thôi. Nhưng gạo ST25 chất lượng quá ngon, lại có danh hiệu gạo ngon nhất thế giới nên đúng là cơ hội hiếm có để thay đổi nhận thức khách hàng tại Mỹ", ông Tùng cho biết.

Ông Hồ Quang Cua giới thiệu về khu trồng giống lúa ST tại doanh nghiệp của ông cho đoàn công tác của tỉnh Bạc Liêu nhằm mở rộng vùng sản xuất lúa ST tại Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sau thời gian đưa gạo phát miễn phí để người tiêu dùng ăn thử, trên bao bì đều ghi rõ gạo ST25 ngon nhất thế giới, người tiêu dùng đã quen và đánh giá cao chất lượng loại gạo này và mua nhiều hơn.

"Chúng tôi đã có những đơn hàng 5-6 container/tháng vào Mỹ nhưng gặp sự cố 'hạ cấp giải thưởng này' nên đang phải tính toán lại. Người Thái Lan họ rất coi trọng giải thưởng này nên chắc chắn sau khi lấy lại danh hiệu từ Việt Nam, họ sẽ đẩy mạnh marketing, quảng bá tới khách hàng rằng gạo của họ là ngon nhất thế giới. 

Mình cũng nói ngon nhất thế giới là nảy sinh vấn đề tranh cãi. Trước mắt chúng tôi sẽ phải in lại bao bì để nói rõ 'Gạo ngon nhất thế giới 2019' để bán hàng", ông Tùng cho hay.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Tiền Giang cũng cho rằng, việc Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đưa ST25 đi thi là một chiến lược sai lầm trong xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam. Nếu không đưa đi thi, ST25 vẫn mãi là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 mà không kèm theo danh hiệu "giảm cấp" ngon nhì thế giới năm 2020. Việc quảng bá của các doanh nghiệp tới người tiêu dùng cũng dễ dàng hơn.

"Qua sự việc cũng thấy rằng VFA và các bộ ngành liên quan đã phản ứng quá chậm đối với cơ hội hiếm có này khi đến nay chưa có chương trình đáng kể nào để xúc tiến đưa hình ảnh gạo cao cấp Việt Nam ra thế giới mà ST25 là tiên phong. Bao nhiêu năm chúng ta chỉ xuất khẩu gạo chất lượng thấp, gạo cứu đói, giờ có cơ hội khẳng định gạo ngon nhất thế giới, hơn gạo Thái Lan, hơn gạo Campuchia, hơn gạo Mỹ mà lại bỏ qua uổng phí", vị giám đốc này cho hay.

Theo nhiều chuyên gia, ST25 xứng đáng trở thành giống lúa quốc gia của Việt Nam để nâng tầm hạt gạo Việt - Ảnh: CHÍ QUỐC

VFA cho rằng thứ 2 là quá tốt

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, lẽ ra Việt Nam nên mua lại bản quyền giống lúa này từ tác giả để chuyển thành giống lúa quốc gia và phát triển rộng rãi ra đồng ruộng nhằm tạo ra lượng hàng hóa lớn để đi chào hàng các nước. Gạo ST25 với lợi thế chất lượng cao, thơm ngon nhưng canh tác ngắn ngày và năng suất cao so với các loại gạo dài ngày của Thái Lan hay Campuchia sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường gạo cao cấp tại nhiều nước.

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam - phó chủ tịch VFA - cho rằng không nên quá quan trọng ngôi vị số 1 hay số 2 của gạo ST25 vì thực tế được giải nhì của năm nay đã là thành công của Việt Nam.

"Sau 11 lần tổ chức, ST25 của Việt Nam đạt giải ngon nhất vào năm 2019 khiến nhiều người có thể cho rằng đó là ăn may. Nhưng năm nay ST25 tiếp tục dự thi và đạt giải nhì cho thấy đây là loại gạo chất lượng thực sự và được đánh giá cao. Giải nhất và nhì ở đây chủ yếu là qua đánh giá cảm quan của các đầu bếp nổi tiếng thế giới, nhiều khi chỉ hơn nhau không đáng kể hay dựa vào các tiêu chí mới lạ so với năm trước mà thôi", ông Nam giải thích.

Cũng theo ông Nam, việc lựa chọn các loại gạo tham gia cuộc thi World's Best Rice năm nay vẫn dựa trên tiêu chí là loại gạo đạt giải cao trong cuộc thi Gạo ngon Việt Nam tổ chức vào tháng 11 vừa qua.

"Sẽ đi thi lúc nào tôi còn sống"

Theo ông Hồ Quang Cua, cha đẻ gạo ST25, trước giờ Thái Lan hai năm đi thi gạo ngon nhất thế giới chỉ với một giống. Campuchia cũng dự thi với một giống lúa. Phải thi cùng một giống để đạt mục tiêu nằm trong top 3 gạo ngon nhất thế giới, nhằm củng cố cho vị thế hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế và quốc nội.

Chuyện đạt nhất hay nhì, thật ra chỉ là chủ quan của mỗi người. Bốn lần dự thi gạo ngon nhất thế giới, gạo ST Việt Nam đều lọt vào top 3, đã củng cố vị thế gạo của nước ta với bạn bè quốc tế.

"Trước cuộc thi gạo ngon Việt Nam năm 2020, một số anh em hỏi tôi năm nay có tham dự không, tôi trả lời: Sẽ đi thi lúc nào tôi còn sống. Tôi đi thi không cho bản thân, mà tôi đi thi cho Việt Nam, với mong muốn củng cố thương hiệu gạo Việt. Lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới, cũng có nghĩa là trên bảng phong thần gạo thế giới, gạo Việt Nam nằm trong top đầu nên không có gì phải lo lắng về chất lượng", ông Cua nói.

"Qua cuộc thi, thôi thúc tôi và cộng sự tiếp tục nỗ lực để củng cố chất lượng giống. Tham dự cuộc thi liên tục còn để trên diễn đàn gạo ngon quốc tế có đại diện tên Việt Nam".

TRẦN MẠNH - KHẮC TÂM

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO