Lữ Minh Châu – Tên đẹp như đời người

Đăng bởi : Dương Ngọc Linh . Ngày : 2021-09-17 04:45:24
 

(ceotoancau.vn) Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với sự ra đời của Khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM – Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của một “huyền thoại sống”: “Người buôn tiền lịch sử” Lữ Minh Châu.

Ông Lữ Minh Châu - nhà "tình báo kinh tế" tài ba, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (nay là Thống đốc).

Trọn đời vì nước vì dân

Cách đây 30 năm vào tháng 9 năm 1991, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư) ký giấy phép đầu tư cho ra đời Khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM – Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu mở đầu cho thời kỳ “mở cửa”, “trải thảm” thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiện công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM hồi tưởng lại:

"Ông - chú Ba Châu thân yêu của chúng tôi, vị Trưởng ban đầu tiên của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM. Con người ấy đã trải qua cả hai thời kỳ kháng chiến và kiến quốc với ngần ấy chức vụ nhưng mãi đến 74 tuổi mới chính thức nghỉ hưu thì quả thật không thể kể xiết công lao mà chú đã cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân. Tưởng nhớ chú Ba Châu, nhớ từng chức vụ chú đã đảm nhiệm, chúng ta lại càng không thể quên những câu chuyện gắn liền với chú hầu như đã trở thành huyền thoại lịch sử, những câu chuyện bất tử, đầy kịch tính, độc nhất vô nhị và là những bài học vô giá. Song điều đáng tiếc là cho đến nay cũng chưa ai thực sự biết đầy đủ về một học sinh Sài Gòn tên Lữ Triều Phú sinh năm 1929, sớm đến với cách mạng để trở thành sĩ quan liên lạc của Phái bộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bên cạnh Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến những năm 1954-1956. Một sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại Liên Xô (1959-1964); Một điệp báo chiến lược được đồng chí Lê Đức Thọ và Phạm Hùng giao nhiệm vụ và được đào tạo nghiệp vụ tình báo, thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Khmer, theo đường Trường Sơn lặn lội vào Nam để trở thành Việt Kiều tại Phnom Penh “lặn luôn trong Việt Kiều”; Một thương nhân tên Nguyễn Văn Thảo tổ chức “đường dây buôn tiền lịch sử” quy mô ngày càng lớn tại Campuchia kịp thời cung ứng hằng trăm triệu tiền đô, hằng tỷ tiền đồng cho chiến trường miền Nam (1964-1970); Một thương gia Việt Kiều hồi hương trở thành giám đốc chi nhánh ngân hàng hợp pháp công khai tại Sài Gòn, trung tâm đầu não chiến tranh của Mỹ và cũng là trung tâm tài chính của chính quyền Sài Gòn, tiếp tục tổ chức chuyển ngân, đổi tiền, buôn tiền… lên đến hàng trăm triệu đô la chuyển qua lại tận Hồng Kong, Phnom Penh, Paris, Trung Quốc… kịp thời cung ứng cho Trung ương Cục (1970-1975); Một Trưởng ban Quân quản ngân hàng Sài Gòn – Gia Định bảo quản an toàn 16 tấn vàng và toàn bộ tiền tệ của chính quyền Sài Gòn trong và ngoài nước; Một tổng giám đốc ngân hàng TP.HCM tham gia “xé rào” cung cấp tiền thu mua lúa gạo miền Tây để cứu dân khỏi nạn đói thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp. Lữ Minh Châu - một tổng giám đốc (Thống đốc) Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã chủ động, năng động, táo bạo tổ chức in tiền tại chỗ để chống lạm phát; Một Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp mở đầu cho cơ chế “một cửa” nhằm thu hút đầu tư nước ngoài… Chú ra đi để lại nhiều thương nhớ cho bao người, trong đó có chúng tôi - những người từng tham gia công tác từ những ngày đầu xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp vào thập niên 1990. 

Từ khi về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, kiêm Trưởng ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận từ đầu năm 1990 cho đến 1995, chú Ba Châu đã góp phần đắc lực xây dựng thành công mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tiên của cả nước. Đây là nơi thực hiện “1 cửa, 1 dấu”, chủ động trong sản xuất kinh doanh, khẳng định bước tiến mới, thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp. Đại hội lần thứ VI của Đảng, chú Ba Châu được bầu vào Trung ương với nhiệm vụ Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng cho tới năm 1989 và là đại biểu Quốc hội khóa VIII. Theo lời mời của chú Võ Văn Kiệt, chú Ba Châu còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, rồi phụ trách việc xây dựng Khu di tích cách mạng miền Nam ở Tây Ninh cho tới lúc chính thức nghỉ hưu là 74 tuổi. 

Những năm đầu thập niên 1990 nhiều trọng án tài chính tín dụng ngân hàng đã xảy ra, một số vị là giám đốc, phó giám đốc ngân hàng chuyên doanh của Nhà nước bị bắt, phải ra tòa và có vị phải “dựa cột”. Một lần gặp chú Ba Châu tại trụ sở Ban Quản lý, chú nói với tôi như một lời than phiền: “Bé nè, hồi kháng chiến và kể cả khi tiếp quản Sài Gòn, chú quản lý trong tay biết bao triệu đô, biết bao tỷ đồng mà không mất một xu. Vậy mà bây giờ, chính quyền của ta, ban bệ đầy đủ mà cứ để thất thoát!”. Lúc bấy giờ tôi còn trẻ, hiểu biết không nhiều nên chỉ cười trừ. Thế mới biết dù đổi mới thể chế, xác lập cơ chế tiên tiến vẫn phải luôn luôn gắn chặt với việc bố trí, đào tạo, sử dụng con người đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực...".

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ phải qua), ông Lữ Minh Châu (thứ 2 từ trái qua) là những người đưa ra và thực hiện chủ trương đưa gạo từ miền Tây lên cứu đói cho người dân Sài Gòn.

"Gắn liền hình bóng anh Hai Hùng”

Ông Ba Châu - Lữ Minh Châu khi ở cương vị Phó trưởng Ban Tài chính đặc biệt (N.2683) với vai trò như một nhà “tình báo kinh tế” siêu hạng, từng tham gia chỉ đạo “đường dây buôn tiền” độc nhất vô nhị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông từng tâm sự, những giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng  luôn "gắn liền với hình bóng của anh Hai Hùng", tức Phạm Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) - người ông luôn thần tượng và ngưỡng mộ.

Khi Lữ Minh Châu đang học năm thứ ba trung học ở Sài Gòn thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, chàng thanh niên Lữ Triều Phú tham gia bộ đội chống Pháp, vinh dự được gặp và làm việc với anh Hai Hùng - một người tầm thước, nguyên tắc nhưng rất tình cảm, cẩn thận, chu đáo và cởi mở, làm việc gì ra việc đó. Sau khi được chọn đi Liên Xô học ngành Tài chính ngân hàng, tháng 12-1964, Lữ Triều Phú tốt nghiệp về nước, được bồi dưỡng thuần thục nghiệp vụ ngoại thương, ngoại hối và thanh toán quốc tế, đồng thời trau dồi tiếng Pháp, tiếng Anh và học tiếng Khmer, học nghiệp vụ tình báo, rồi qua Phnom Penh làm quản lý công ty Nam Dân - một công ty xuất nhập cảng do Trung ương Cục miền Nam thành lập. Nhiều cơ sở tài chính của ta hoạt động trong các lĩnh vực thầu khoán (xây dựng), mở ga-ra, xuất nhập cảng, nhà in... tại Campuchia mở rộng quan hệ buôn bán, kết nối với miền Bắc tạo được vỏ bọc vững chắc.

Năm 1965, ông Phạm Hùng đề xuất thành lập tổ chức đặc biệt B29 - mật danh của Quỹ ngoại tệ đặc biệt. Để giữ bí mật, B29 chịu sự chỉ đạo đơn tuyến, có văn phòng tại Ngân hàng Trung ương. Với nhiệm vụ tập trung các nguồn vốn ngoại tệ dành riêng cho miền Nam, B29 được hoạt động độc lập và nằm ngoài ngân sách nhà nước. B29 có các loại tiền từ đô-la Mỹ, bath Thái, tiền Sài Gòn đến riel Campuchia, kip Lào... Khi nguồn tiền từ miền Bắc chi viện vào ngày càng nhiều, Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam lập ra Ban công tác đặc biệt để làm nhiệm vụ chuyển tiền theo hệ thống ngân hàng. Để bảo đảm bí mật, lúc đầu ban này có bí danh là B6, sau đổi thành D270, rồi N.2683, ông Ba Châu giữ chức Phó ban.

Để hợp thức hóa việc giao, chuyển tiền, B29 và N.2683 sử dụng phương thức vận hành FM: dùng các nguyên tắc chuyển khoản, lợi dụng hệ thống ngân hàng thế giới và ngân hàng của chính quyền Sài Gòn để chuyển tiền cho ta. Phương thức này đòi hỏi một hệ thống tổ chức bảo mật tinh vi vì hoạt động ngay trong lòng địch. Nhóm Ba Châu tổ chức mạng lưới kinh doanh tiền tệ mang bí số C130 tập trung các thương gia chuyên về vàng bạc đá quý hoặc các đại gia xuất nhập khẩu ở Sài Gòn có tài khoản tại các ngân hàng thương mại ở Sài Gòn, Pháp, Thụy Sĩ, Hồng Công... Khi ta cần một lượng lớn tiền Sài Gòn, các đại gia sẽ rút tiền từ ngân hàng với lý do sản xuất kinh doanh, cung cấp thẳng cho ta. Hoặc nhiều thương gia xuất hàng từ Sài Gòn, bên nhập hàng ở nước ngoài mở L/C thanh toán rồi rút tiền giao cho C130 nhằm hợp thức hóa tài chính, tránh bị nghi ngờ. Từ C130, N.2683 có thể nhận được tiền mặt Sài Gòn trước với số lượng lớn. Sau đó, N.2683 dùng điện đài mã hóa đề nghị chi trả gửi cho B29, trưởng phòng thanh toán ở Hà Nội gửi lệnh chi trả đến tài khoản Vietcombank ở nước ngoài (tài khoản này hoàn toàn do B29 sử dụng). Tiền đô-la sẽ được chuyển ngân vào tài khoản nước ngoài của các thương gia Sài Gòn. Cũng có khi để an toàn, ta phải chuyển ngân qua một tài khoản bí mật ở Paris rồi từ đây thực hiện lệnh chi trả. Ngoài ra còn có cách trả tiền theo séc cầm tay do N.2683 ký phát séc còn bên cầm séc là thương gia cung cấp hàng hóa cho vùng giải phóng, được hưởng hoa hồng 1%. “Séc” thật ra là một tờ lịch cũ được mã hóa số tiền chi trả, loại tiền, địa điểm. Nếu chẳng may bị địch bắt thì cũng không kết tội gì được.

Vào cuối tháng 2/1970, khi Trung ương Cục miền Nam triển khai phương án thu gom tiền đưa về Phnom Penh đổi tiền mới thì Lonnol đảo chính lật đổ chính quyền Norodom Sihanouk, khủng bố, tàn sát Việt kiều, chặn các con đường về căn cứ nên nhiều tiền mới đổi được bị kẹt lại Phnom Penh. Dưới sự chỉ đạo của ông Ba Châu, chỉ trong hai ngày, một khối tiền khổng lồ gồm đô-la và riel được chôn giấu cẩn thận dưới một nền xi-măng của nhà kho chịu được xe tải hạng nặng, không để lại một dấu vết. Nhận lệnh của cấp trên “bằng mọi cách, phải đưa tiền về cho Trung ương Cục”, một kế hoạch mạo hiểm được nhóm Ba Châu triển khai, bí mật đóng tiền vào túi ni-lông, bỏ vào từng hũ mắm bò hóc chất đầy lên hai xe tải. Hai chiếc xe chở mắm bò hóc nồng nặc đã ung dung đi ra khỏi thành phố, qua mặt tất cả trạm canh gác của Lonnol, vượt vòng vây của địch tại Phnom Penh, về biên giới Việt Nam. Tiền về đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam an toàn, ông Hai Hùng không ngớt lời khen ngợi.

Sau cuộc giải cứu này, việc cung cấp tiền cho các chiến trường gặp nhiều trở ngại vì các cơ sở kinh tài của ta ở Phnom Penh và Sài Gòn đều bị bể. Khôi phục lại cơ sở ở Sài Gòn để tổ chức làm FM là đòi hỏi cấp bách, nếu không thì không thể đáp ứng được nhu cầu của chiến trường. Ông Phạm Hùng giao nhiệm vụ cho Ba Châu tổ chức lại mạng lưới, có thể làm việc cho địch để “thọc sâu trèo cao”, nếu cần thì lập luôn ngân hàng để “tạo bề thế” cho sau này. Sau nhiều tháng nếm mật nằm gai ở xã biên giới Vĩnh Lợi Tường bên sông Tiền, trong vai người từ Campuchia chạy loạn muốn về Sài Gòn tìm vợ con, cuối cùng ông Châu cũng qua mắt được bọn “Phượng hoàng”, có được thẻ căn cước hợp pháp. Về Sài Gòn, ông liên lạc với các đầu mối để bắt tay tổ chức lại mạng lưới. Vào ngân hàng Sài Gòn tín dụng làm thư ký Hội đồng quản trị, rồi được đề bạt lên giám đốc, phụ trách “sở chi nhánh” của ngân hàng nên ông Ba Châu tận dụng triệt để vỏ bọc này hoạt động cách mạng.

Lúc đầu việc chuyển tiền vào Nam được phối hợp với Bộ Quốc phòng vận chuyển bằng ô tô (tiền đóng vào hòm kẽm) theo đường Trường Sơn. Mỗi chuyến mất hàng tháng, có khi bị địch đánh cháy. Có khoảng 4 triệu đôla bị cháy và hàng chục chiến sĩ ta đã hy sinh. Từ năm 1967, tiền đưa vào cặp ngoại giao, vận chuyển qua đường hàng không Air France, từ Hà Nội, Quảng Châu, Phnom Penh rồi đưa về Tây Ninh. Đi đường này mất khoảng hơn 6 giờ và thực hiện được trong 4 năm. Sau này, việc chuyển tiền không chuyển trực tiếp bằng tiền mặt nữa mà chuyển bằng con đường FM. 

Huyền tích “buôn tiền”

Ông Nguyễn Văn Bé lại hồi tưởng: Với cách chuyển tiền qua FM, ta đã chuyển hàng trăm triệu đôla viện trợ thành tiền Sài Gòn. Trong đường dây này, ông Ba Châu được biệt phái vào công tác trong một ngân hàng Sài Gòn. Tại đây, ông móc nối với một nhà tư sản có môn bài xuất nhập cảng hàng chục ngành nghề và có chân trong nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng từ Hồng Kông, Singapore và các nước. Với cách làm này, các thanh toán được thực hiện chưa đầy 30 phút. Sau đó, ông Ba Châu tổ chức chuyển tiền để chi cho chiến trường, ngụy trang bằng những chiếc xe chở gạo, bia, nước ngọt... Trong đường dây chuyển tiền có cha của ông - ông Lữ Văn Buổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, đóng vai thương nhân người Hoa, nhận chuyển tiền cho Khu 8, Khu 9, có quan hệ với khoảng 200 ngân hàng ở Hồng Công, Paris, London... Nhiều năm chuyển tiền bằng điện hối, séc cầm tay, không để xảy ra sơ suất nào. Năm 2006, tôi gặp đồng nghiệp là anh Trần Việt Hùng đang là phó tổng giám đốc công ty Liên doanh KCX Tân Thuận, anh kể lại: “Hồi kháng chiến tôi là lính của chú Ba Châu. Hồi ấy tôi còn nhỏ, theo các chú công tác trong Ban Kinh tài. Tôi còn nhớ chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, dọc theo biên giới khu vực An Giang, đơn vị tôi đào hầm, bí mật cất giấu rất nhiều tiền, đựng trong các “thùng đại liên” bằng sắt của Mỹ, chủ yếu là tiền “đô” rồi tiền Sài Gòn, tiền “ria” (riel), tiền “bạt” (baht) đủ cả. Sau đó còn có tiền của Mặt trận Giải phóng được niêm theo từng bao ni lon 2 lớp bỏ trong thùng nhựa 20 lit, hàn lại”. Một sự kiện tôi còn nhớ, tháng 4 năm 1970, trong lần giải cứu một lượng tiền khá lớn trót lọt khi Lonnol làm đảo chánh Sihanouk ở Campuchia, Lonnol chủ trương cáp duồng tàn sát Việt Kiều. Một khối tiền “đô”, tiền “ria” của Trung ương Cục còn kẹt lại kho hàng của cơ sở thương gia tại Phnom Penh. Chú Ba Châu giả dạng thương gia Hoa Kiều đã làm một cuộc giải cứu ngoạn mục. Chú tổ chức đào tiền từ hầm bí mật đem lên cho vào các hủ mắm "bù-hốc" chất đầy 2 xe tải. Xe chạy về hướng Đông Nam thoát khỏi vòng vây của quân Lonnol. Đơn vị tôi đón tại vùng núi biên giới giáp Kiên Giang và vận chuyển cất giấu tiền an toàn cho Trung ương Cục. Chỉ hai ngày sau Mỹ và quân đội Sài Gòn mở “trận càng Đông Dương” hành quân tràn qua biên giới. Lúc bấy giờ, chú Ba chọn tôi về công tác Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục. Đây được xem như một phi vụ anh hùng của chú Ba Châu và đồng đội.

Ông Lữ Minh Châu (đứng sau) cùng ông Mai Hữu Ích lúc hoạt động tại Campuchia.

Rạng ngời ngọc quý minh châu

Ông Nguyễn Văn Bé trầm giọng kể tiếp: Một người cực kỳ khiêm tốn, chú Ba Châu không bao giờ kể lại thành tích của mình trong hoạt động cách mạng. Nói đến công lao mình, chú cho rằng “bé tí tẹo”, không có gì để viết. Nhà báo Hoàng Hải Vân theo suốt hai năm trời mới được chú cho biết và cho phép viết về một số sự kiện, câu chuyện với nhiều tình tiết cụ thể được đăng tải trên báo Thanh niên từ ngày 4/10 đến 30/10/2006. Thời đó và kể cả sau này về công tác tại Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, chẳng bao giờ tôi nghe chú nói về công lao thành tích. Với 87 tuổi đời, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, chú Ba ra đi trong niềm tiếc thương của mọi người. Trong dòng người đến tiễn chú đều có chung cảm nhận đây là một con người có công và liêm khiết. Khi nói về người bạn đời, cô Trần Ngọc Điệp chỉ nói ngắn gọn: “Chú Ba là một con người chung thủy và luôn đặt lợi ích chung lên trên". Có một câu chuyện ít ai được biết. Hoạt dộng đơn tuyến giữa Sài Gòn ngay trung tâm tài chính với bao ngân hàng, làm gì có Chi bộ Đảng lãnh đạo. Thế nhưng chú vẫn có một cái hộp nhỏ, hằng tháng chú lấy hai đồng tiền mới bỏ vào hộp để đóng “Đảng phí”. Nhớ ngày 30/4/1975, ông Ba Châu làm Trưởng ban quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định, tiếp quản toàn bộ tiền vàng chế độ cũ. Khi tiếp quản còn trên 1.000 tỷ đồng tiền giấy, gấp đôi lượng tiền lưu hành thời điểm đó (615 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 440 tỷ đồng, còn lại là tiền gửi), lưu thông cho đến khi đổi tiền năm 1976. Số vàng còn ở trong kho đã trở thành tài sản quốc gia.

"Chú Ba Châu" đã ra đi nhưng vẫn còn đây một nhân cách, một con người với biết bao điều chúng ta phải tìm tòi, học hỏi và noi gương. Qua các tác giả Thăng Long, Nguyễn Quang Sáng, Hiền Phương, Thanh Giang, Hoàng Xuân Huy, Hoàng Hải Vân, Phạm Phương Thảo… chắc còn nhiều điều, nhiều mẫu chuyện, nhiều tác phẩm sẽ viết về Lữ Minh Châu, về đồng đội đồng chí của ông, về trận chiến tiền tệ âm thầm lặng lẽ nhưng rất ác liệt mà ít người biết đến, về “đường dây buôn tiền lịch sử” có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới, về đường đi của đồng đô la từ mọi nguồn tài lực để đến với chiến trường miền Nam nhằm cung ứng cho cuộc kháng chiến thần thánh – nói theo cách nói của phương Tây, về tổ chức Ban Tài chính đặc biệt – đơn vị được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Trong mắt của nhiều người, ông Lữ Minh Châu xứng đáng là một anh hùng.

Rất kính trọng ông Lữ Minh Châu, một con người có công trạng lớn lại rất ít nói về mình, một hiện thân về nhân cách đẹp - quá đỗi giản dị, chân phương. Tưởng nhớ "Chú Ba Châu" - Lữ Minh Châu, tên đẹp như đời người, ông mãi mãi là ngọc sáng trong lòng mỗi chúng ta.

Ông Lữ Minh Châu (Lữ Triều Phú) sinh ngày 29/9/1929 tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau. Ông từng công tác ở Văn phòng Liên tỉnh ủy Hậu Giang, Văn phòng Xứ ủy Nam bộ, Văn phòng Trung ương Cục. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc rồi sang Liên Xô học về Tài chính Ngân hàng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Lữ Minh Châu là một mắt xích quan trọng của “đường dây buôn tiền” - vận chuyển đôla cho Cách mạng miền Nam. Ông là nguyên Phó Trưởng ban Tài chính Đặc biệt thuộc T.Ư Cục miền Nam; Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI; Đại biểu Quốc hội khóa VIII; Tổng Giám đốc (Thống đốc) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thành ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Giám đốc Ngân hàng TP.HCM; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư kiêm Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM; Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long; Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Vi Hằng

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO