Ông Nguyễn Văn Bé: thực trạng nhân lực là vấn đề thời sự cấp thiết

Đăng bởi : Dương Ngọc Linh . Ngày : 2021-07-12 20:01:00
 

(GMTCH18) Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP.HCM đã chia sẻ tại chương trình Talk “Nhân lực trong Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế - Thực trạng và giải pháp” do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp – VCCI tổ chức vào ngày 06/7 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM.

Ông nhận định gì về thực trạng nhân lực tại các KCX, KCN, KCN Cao đang hoạt động tại TP.HCM?

Nguyễn Văn Bé: Chủ đề này là vấn đề thời sự cấp thiết trong 5 năm 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030. Về tổng quan thực trạng lao động, TP.HCM có khoảng 500.000 công nhân viên “chính quy” làm việc tại các nhà máy và doanh nghiệp. Trong đó khoảng 300.000 công nhân viên làm việc tại 18 KCX-KCN và KCN Cao. Còn lại là làm việc tại xí nghiệp liên hợp PouYuen, Công viên phần mềm Quang Trung và một số nhà máy cụm công nghiệp. Trong 18 KCX-KCN và KCN Cao có 1.500 nhà máy với 500 nhà máy/doanh nghiệp F.D.I của hơn 20 nước và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại các Khu. Hơn nữa, TP.HCM có thế mạnh là có cả hệ thống 61 trường Đại học, cùng hơn 100 trường Cao đẳng và dạy nghề - đây là nguồn lực trụ cột để đào tạo và nâng cao chất lượng lao động cung ứng cho miền Đông Nam bộ và khu vực.

Ông nhận định gì về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng lao động?

Nguyễn Văn Bé: Cả nước có khoảng 400 KCX–KCN với hơn 4 triệu công nhân chính quy, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ USD. Năm 2020, đại dịch Covid-19 với 3 đợt bùng phát nhưng các KCN vẫn bình ổn trong sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế và xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Năm 2021, bùng phát đại dịch đợt 4, thâm nhập KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang, một số KCN tại TP.HCM và nhiều nơi khác. Kim ngạch xuất khẩu giảm hẳn, nền kinh tế bị ảnh hưởng rõ nét. Như vậy rõ ràng đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp và hàng triệu công nhân chính quy có vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng lao động.

Xin đưa ra một số kinh nghiệm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động tại KCX-KCN TP.HCM?

Nguyễn Văn Bé: Bám sát định hướng và mục tiêu phát triển của TP.HCM, đó là: “TP.HCM: Thành phố thông minh và đáng sống”; “Xây dựng TP. Thủ Đức: TP sáng tạo”. Do vậy, định hướng của 23 KCX- KCN (trong đó 17 KCX-KCN đang hoạt động) và KCN Cao phải là các “Khu công nghiệp sinh thái”. Giữa đô thị gần 13 triệu dân, các Khu phải thực sự đảm bảo môi trường sinh thái và sử dụng tối đa năng lượng tái tạo. Lợi thế của “thành phố sáng tạo Thủ Đức” là đã có Khu công nghệ Cao, KCX Linh Trung 1 và 2, KCN Bình Chiểu và Cát Lái. Trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Thủ Đức có hệ thống đại học quốc gia, có nhiều loại hình đào tạo khác: đại học Fulbright, đại học F.P.T, Trung tâm đào tạo phi công và kỹ thuật viên hàng không của Vietjet.

Vấn đề mấu chốt trong đào tạo chất lượng lao động là bám chắc định hướng và mục tiêu phát triển của TP.HCM.

Vậy theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt trong đào tạo chất lượng lao động?

Nguyễn Văn Bé: Vấn đề mấu chốt trong đào tạo chất lượng lao động là bám chắc định hướng và mục tiêu phát triển của TP.HCM. Thứ nhất là Kỹ năng lao động tại các nhà máy: Vấn đề đặt ra là IA (trí tuệ nhân tạo) và Robot đang được sản xuất và ứng dụng thay thế con người ngày càng nhiều thì đào tạo nâng cao chất lượng lao động theo kỹ năng nào? Năm 2015, tại diễn đàn kinh tế Thế giới, các nhà nghiên cứu đã đưa ra ít nhất là 10 kỹ năng mà con người có thế chiếm lĩnh và ưu việt mà IA không thể có được. Đó là Kỹ năng trí tuệ cảm xúc; Kỹ năng định hướng dịch vụ; Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp; Kỹ năng tư duy phản biện; Kỹ năng sáng tạo; Kỹ năng quản lý con người; Kỹ năng hợp tác với người khác; Kỹ năng phán đoán và ra quyết định; Kỹ năng đàm phán; Kỹ năng linh hoạt trong nhận thức. Trong đào tạo cần thiết bao gồm 3 thể loại: Năng lực (bao gồm năng lực có thể và năng lực nhận thức); Kỹ năng cơ bản (bao gồm kỹ năng nội dung và kỹ năng quá trình); Kỹ năng tổng hợp (bao gồm kỹ năng xã hội, kỹ năng quản lý nguồn lực, kỹ năng hệ thống, kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp). Thứ hai là nâng cao chất lượng lao động theo khoa học ứng dụng “Chuyển đổi số”. Dù đào tạo bất cứ ngành nghề nào đều cần bám sát năng lực và kỹ năng ưu việt của con người. Những năm trước mắt, “Doanh nghiệp số” là mục tiêu cần đạt được. Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TP.HCM có chương trình “Phát triển Doanh nghiệp số” phối hợp với FPT, Intel … và cả Cục hỗ trợ Doanh nghiệp số của Bộ Kế hoạch-Đầu tư. Phát động và vận động doanh nghiệp chuyển đổi số là một quá trình nhiều khó khăn, bao gồm cả vấn đề tài chính của doanh nghiệp.

Những khó khăn cần vượt qua, thưa ông?

Nguyễn Văn Bé: Khó khăn lớn nhất là tiếp cận doanh nghiệp vẫn là 2 vấn đề hàng đầu trong chuyển đổi số, là chuyển đổi tư duy của người chủ và các CEO của doanh nghiệp. Chuyển đổi “Văn hóa doanh nghiệp” là phải “đào tạo lại” từ Giám đốc đến công nhân viên dù rằng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số từng phần hay toàn phần, từng công đoạn sản xuất, kinh doanh, tài chính, tiếp thị, kho vận… hay toàn bộ hoạt động. Đó là chưa kể chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ làm tăng doanh thu, lợi nhuận nhưng lại phải giảm nhân sự, một số công nhân phải mất việc.

Khu công nghệ cao quận 9, thành phố Thủ Đức.

Vấn đề cụ thể thế nào, thưa ông?

Nguyễn Văn Bé: Trước tiên là nâng cao chất lượng lao động phải kết hợp “Nhà trường” và “Nhà máy”. Năm 2006, công ty Thiết kế Renesas (của Nhật) xây dựng nhà máy hoạt động tại KCX Tân Thuận cần tuyển 200 kỹ sư phần mềm. Thế nhưng, với hàng trăm đơn ứng tuyển, chỉ tuyển dụng được vài chục kỹ sư nhưng vẫn phải đào tạo lại. Cuối cùng giải pháp tối ưu là Renesas phối hợp với đại học Bách Khoa xây dựng chương trình và giáo trình đào tạo sinh viên theo “Đơn đặt hàng” và “Đào tạo lại” kỹ sư. Nâng cao chất lượng lao động, giải pháp “Nhà trường” kết hợp “Nhà máy” là tối ưu. Nhiều năm qua, nhà máy tại khu công nghiệp là nơi đón nhận thực tập sinh tốt nhất cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trường nghề. Vấn đề kế tiếp, nguồn nhân lực đào tạo từ nước ngoài. Trong mấy năm qua, du học sinh và Việt kiều đang làm việc tại nước ngoài quay về làm việc tại các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp F.D.I ngày càng nhiều. Đây là nguồn lao động chất lượng cao đã kinh qua đào tạo ở nước ngoài. Tại TP.HCM, mức thu nhập bình quân của công nhân viên đang là 5.000 – 6.000 USD/năm. Trong vài năm tới, thu nhập bình quân tăng lên trên 10.000 USD/năm, chắc chắn Việt kiều và du học sẽ về gấp bội phần. Vấn đề còn lại là nâng cao chất lượng lao động theo đà phát triển công nghệ 4.0. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 17 KCX-KCN TP.HCM năm 2016 đạt là 4,8 tỷ USD, phát triển đến 2019 đạt là 6,8 tỷ USD. Trong khi đó, Khu công nghệ Cao sinh sau đẻ muộn với 900 ha diện tích, có tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu tăng vượt bậc (2016 là 2,7 tỷ USD, 2017 là 7 tỷ USD, 2018 là 11 tỷ USD). Trong đại dịch Covid-1, năm 2020 là 20 tỷ USD.

Nhìn lại sau 25 năm, ông thấy gì?

Nguyễn Văn Bé: Rõ ràng qua 25 năm xây dựng và phát triển, các nhà máy, xí nghiệp KCX-KCN phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, ứng dụng 4.0 và nâng cao chất lượng lao động. Trong tổng kết 10 năm hoạt động của tập đoàn Intel tại Khu công nghệ Cao, Tổng Giám đốc báo cáo: Trong 10 năm (2010-2020) tổng kim ngạch xuất khẩu là 50 tỷ USD; tạo ra 2,9 tỷ sản phẩm cung ứng toàn cầu; xây dựng được đội ngũ 2.700 kỹ sư, kỹ thuật viên, tuyệt đại đa số là người Việt Nam. Năm 2020, tiếp tục đầu tư vào Việt Nam 450 triệu USD, nâng tổng đầu tư nhà máy hơn 1,5 tỷ USD. Tổng Giám đốc Công ty Intel kể lại: Trong mấy năm đầu xây dựng nhà máy, điều lo lắng băn khoăn nhất của họ vẫn là liệu đưa máy móc, trang thiết bị vào rồi, kỹ sư, công nhân viên Việt Nam có đảm đương nổi không? Nhưng giờ đây niềm tự hào lớn nhất là họ có trong tay đội ngũ 2.700 kỹ sư, kỹ thuật viên người Việt làm ra hàng tỷ USD, hàng tỷ sản phẩm”. Trong báo cáo của AMCHAM – Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, trưởng đại diện cũng nhấn mạnh con số 2.700. Như vậy thực tiễn cho thấy, đội ngũ lao động Việt Nam nếu được đào tạo tốt, có môi trường làm việc tốt, vẫn có thể làm chủ được công nghệ 4.0.

Cám ơn ông đã chia sẻ. Chúc ông và các thành viên các KCX, KCN, KCN Cao luôn dồi dào sức khỏe, hoàn thành mục tiêu kép, chiến thắng đại dịch.

Vi Hằng

 

 

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO