Định hình thế kỷ 21

Đăng bởi : Hoa Nắng . Ngày : 2020-12-17 02:48:11
 

SGGP Thứ Năm, 17/12/2020 08:39 - Dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ hình thành một cục diện mới của thế giới, sau mô hình thế giới lưỡng cực, vốn được coi là kết thúc vào năm 1989. Có thể nói, nếu Thế chiến I được coi là làm thay đổi thế giới trong thế kỷ 20 thì đại dịch Covid-19 đã định hình lại thế giới trong thế kỷ 21.

Thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Bloomberg

Vai trò của Mỹ và trật tự từ năm 1945 được Mỹ bảo đảm đã bị lung lay từ sau các vụ tấn công khủng bố 11-9-2001; những cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Syria làm Washington tiêu tốn hơn 6.000 tỷ USD; rồi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và giờ là virus SARS-CoV-2. Đại dịch Covid-19 tạo dấu ấn lịch sử khi chứng tỏ sự lệ thuộc sâu sắc lẫn nhau giữa con người, doanh nghiệp và các quốc gia; bộc lộ thực tế về những nguy cơ toàn cầu từ y tế, tài chính, công nghệ, đến khí hậu, chiến lược. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã dẫn đến việc hình thành 2 cực thế giới mạng: một bên là GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) của Mỹ và bên kia là nhánh vũ trang kỹ thuật số của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc là bên thắng lớn khi chế ngự được dịch bệnh và tăng trưởng 1,8% trong năm 2020. Giờ là lúc Bắc Kinh không còn che giấu ý định đảo lộn trật tự mà phương Tây đã đặt ra để “xưng vương”. Điều này có thể thấy rõ trên nhiều phương diện như Bắc Kinh đẩy mạnh ảnh hưởng của mình thông qua các dự án kinh tế mà tiêu biểu là Con đường tơ lụa mới, hay liên tục đưa ra những yêu sách về chủ quyền phi lý tại Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Mới nhất, căng thẳng thương mại Australia - Trung Quốc với việc Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá đối với hàng loạt sản phẩm của Australia được xem là lời răn đe “làm gương” cho mọi quốc gia lệ thuộc thương mại vào Bắc Kinh. Mục đích của Trung Quốc là cô lập và đẩy dần Mỹ ra khỏi châu Á, rồi cắt đứt hẳn với các nước mới trỗi dậy.

Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia mới nổi hiện nay dường như là bên thất bại. Mỹ bị thiệt hại nhiều nhất do đại dịch, dù đã dành 17% GDP cho y tế và tránh được suy thoái, nhưng sẽ không thể tìm lại được mức tăng trưởng của năm 2019. Không chỉ có vậy, nước Mỹ hiện cũng chia rẽ hơn bao giờ hết. Tình hình châu Âu còn tệ hại hơn, suy thoái 7,5%, thất nghiệp 8,5%, nợ công tăng vọt từ 85% lên 105% GDP, Trung Quốc nhân đó tiếp tục mua rẻ các tích sản, doanh nghiệp và công nghệ mang tầm chiến lược. Chưa kể châu Âu hiện còn là mục tiêu hàng đầu của Hồi giáo cực đoan. Rồi các quốc gia mới nổi cũng đang phải vất vả chống chọi với cú sốc đại dịch và suy thoái.

Có thể nói, với dân số đông đảo và trọng lượng kinh tế lớn, việc Trung Quốc đóng vai trò to lớn đối với toàn cầu là điều có thể. Nhưng thế giới sẽ chấp nhận hay không sự dẫn dắt của Trung Quốc? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ và phương Tây có vực dậy mạnh mẽ sau đại dịch được hay không. Mỹ có lại sự đoàn kết nội bộ và tiếp tục hợp sức với các đồng minh hay không? Theo các chuyên gia, 10 năm tới sẽ mang tính quyết định để định hình thế giới trong thế kỷ 21.

MINH CHÂU

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO