Cuộc trình diễn phụ bản tranh khắc gỗ từ các danh tác Việt Nam

Đăng bởi : Hoa Nắng . Ngày : 2020-12-11 14:40:11
 

TTO - Một cuộc trưng bày giới thiệu các phụ bản tranh khắc gỗ trong sách Việt Nam trước 1945 do Quán Sách Mùa Thu đồng hành cùng một số nhà sưu tập thực hiện khai mạc tại Đường sách TP.HCM vào sáng 12-12.

Bức tranh khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Tường Lân in trên giấy dó minh họa cho câu "Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường" là phụ bản của Tập Kiều văn họa - Ảnh: QSMT

Đây là các phụ bản do những danh họa Việt Nam thời bấy giờ thực hiện, và phải là những bản in các tác phẩm nổi tiếng, hoặc ấn bản đặc biệt cho các danh tác được công chúng đón đợi, các nhà in mới đặt hàng họa sĩ làm phụ bản công phu.

Do vậy, phụ bản trong các sách danh tác văn học Việt Nam thời tiền chiến (trước 1945) được xem là mối duyên gặp gỡ giữa danh họa và văn nhân.

Cuộc trưng bày lần này giới thiệu phiên bản in khổ lớn các tranh phụ bản của những họa sĩ Việt Nam nổi tiếng như: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị...

Bạn đọc có dịp thưởng thức 11 bức tranh của 11 họa sĩ nổi tiếng trong Tập văn họa Kiều xuất bản năm 1942; bức tranh của Nguyễn Tiến Chung minh họa Chùa đàn của Nguyễn Tuân; tranh của Nguyễn Huyến minh họa Lều chõng của Ngô Tất Tố; tranh của họa sĩ nguyễn Đỗ Cung minh họa Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân; tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân minh họa Bức tranh quê của Anh Thơ...

Trong buổi đầu của việc tiếp thu nền hội họa phương Tây, loại hình tranh khắc gỗ vừa khai thác chất liệu truyền thống của Việt Nam, vừa được các họa sĩ thời bấy giờ sáng tạo theo đường nét tạo hình, bố cục, màu sắc... của phương Tây, là thể loại độc đáo chuyển tải các đề tài mang dấu ấn phong cách dân tộc Việt.

Cùng với thời gian, phụ bản của các danh họa Việt Nam trong các sách tiền chiến trở nên quý hiếm.

Tại Sài Gòn sau 1975 từng diễn ra các cuộc săn lùng phụ bản tranh loại này, khởi từ việc một số nhà sưu tập từ nước ngoài đến Việt Nam đặt mua, khiến cho giá tranh phụ bản tăng cao, làm xuất hiện cả việc một số người săn sách cắt rời các phụ bản tranh bán cho người mua.

Vì vậy, hiện nay nếu sưu tầm được các sách danh tác trước 1945 với nguyên vẹn phụ bản đi kèm sẽ là trường hợp hiếm hoi, và đó cũng là mục tiêu của nhiều nhà sưu tập.

Để cẩn trọng trong mùa dịch COVID-19, chương trình chỉ trưng bày trong hai ngày 12 và 13-12.

Để giúp bạn đọc thực mục sở thị các tranh gốc, tại cuộc trưng bày lần này Quán Sách Mùa Thu còn triển lãm một số bản sách nguyên gốc kèm phụ bản:

Tóc chị Hoài (Nguyễn Tuân, năm 1943, phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí); Chùa Đàn (Nguyễn Tuân, năm 1946, phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung); Tập văn họa Kiều Nguyễn Du (năm 1942, 11 phụ bản tranh của 11 họa sĩ ); Lều chõng (Ngô Tất Tố, năm 1939, phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Huyến); Bức tranh quê (Anh Thơ, năm 1939, phụ bản tranh của Tô Ngọc Vân); Xuân Thu Nhã Tập (các tác giả nhóm Xuân Thu Nhã Tập, năm 1942, phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung); Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân, NXB Thời Đại, năm 1943, phụ bản của Nguyễn Đỗ Cung).

Một số tranh khắc gỗ triển lãm dịp này:

Bức tranh của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung minh họa tác phẩm "Chùa Đàn" của Nguyễn Tuân

Tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị minh họa cho câu Kiều: "Mịt mù dặm cát đồi cây/ Tiếng gà điểm nguyệt dấu giầy cầu sương"

Tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí minh họa trong tập "Tóc chị Hoài" của Nguyễn Tuân

Tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào minh họa cho câu Kiều: "Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ/ Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm"

Lam Điền

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO