Những trò chơi xuân trong tranh dân gian

Đăng bởi : Hoa Nắng . Ngày : 2021-02-12 15:55:14
 

LĐO - Tết là thời khắc thiêng liêng của đất trời và vạn vật, cũng là mở đầu cho cả mùa xuân và lễ hội. Mà đã có lễ hội là phải có các trò chơi dân gian.

Rồng rắn lên mây. Ảnh Trịnh Sinh

Người Việt đã biết đến các trò chơi trong ngày hội ít ra vào thời điểm cách đây hơn 2.000 năm. Đó là trò chơi “trồng nụ trồng hoa”, trai gái ngồi đối diện trong ngôi nhà sàn vừa hát đối đáp vừa chắp nối đôi bàn tay vào nhau, được khắc hoạ trên trống đồng Ngọc Lũ. Truyền thuyết thời Hùng Vương ở vùng đất tổ còn nói đến trò chơi “bách nghệ trình làng” diễn tả nghề làm nông, người đóng giả con trâu đi trước người cầm cày theo sau... Thư tịch còn chép lại ở Thăng Long, vào ngày mùng ba Tết, Vua Trần ngồi trên gác Đại Hưng xem các tôn tử và các quan nội cung chơi trò đánh quả cầu thêu, tựa như trò ném còn của đồng bào Thái, hễ ai bắt được là thắng. Còn có các trò cưỡi ngựa đánh trái cầu, đánh cờ, đánh vu bồ (bài thẻ), đá bóng...

Bịt mắt bắt dê. Ảnh Trịnh Sinh

Các trò chơi xuân còn được khắc hoạ trong tranh dân gian một cách sinh động và phong phú. Đầu thế kỷ XX, có một người Pháp khi mới đến Việt Nam đã ngạc nhiên thấy ở xứ sở này có một nền văn hoá độc đáo. Ông là Henry Oger - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Kỹ thuật của người An Nam” xuất bản năm 1909. Ông đã ký hoạ đời sống, kỹ thuật, sinh hoạt của người Việt, trong đó có các trò chơi dân gian rồi cho in lại bằng tranh khắc gỗ. Tác phẩm này như một cuốn du ký bằng tranh, trong đó có nhiều bức kể về trò chơi dân gian ngày Tết.

Trong tranh của H. Oger có những trò chơi mà ngày nay không còn thấy nữa như leo cột mỡ, liếm chảo... (du nhập từ thời thực dân và cũng mất đi sau thời thực dân), nhưng cũng có những trò mà hiện nay vẫn được duy trì như đánh đu, đấu vật, chọi gà, đập niêu, bắt trạch trong lu, thả chim, nhảy lò cò, chơi quay, rồng rắn lên mây, trồng nụ trồng hoa, đá cầu, thả diều, đi trên cầu kiều không ngã thì được thưởng, chơi tam cúc, hát trống quân, đốt pháo... Một số trò chơi đường phố như trò xem người Tàu dạy thú, nhào lộn trên thang, ảo thuật tung bóng, múa võ trên dây cũng không còn thấy nữa, có lẽ những trò này đã chuyên nghiệp hơn nhờ chui vào... rạp xiếc. Một số trò chơi dường như không họp với thời đại mới như trò chơi cua (buộc dây vào càng cua để xem cua bò), cởi áo đập bướm, bói rùa, chọc thùng phân (treo thùng phân lên cao rồi lấy gậy chọc) đã không còn nữa vì quá đơn giản và cũng có khi vì... mất vệ sinh.

Đấu vật. Ảnh Trịnh Sinh

H. Oger là một hoạ sĩ, rất muốn xuất bản những ký hoạ của mình, nhưng vì không có nơi tài trợ nên đành nhờ những thợ khắc gỗ của làng Liễu Tràng, vốn thạo khắc tranh dân gian theo mẫu vẽ để khắc và in. Cũng nhờ thế, chúng ta có được đến 4.500 bức tranh khắc gỗ của ông, về khía cạnh nào đó có thể coi là những bức tranh dân gian, trong đó có những tranh quý về các trò chơi Tết.

Một nhà bác học Pháp có tên là Maurice Durand, làm ở Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, cũng là người đam mê tranh dân gian Việt Nam, thấy được những nét đẹp của tranh và nghiên cứu, công bố trong sách “L’imagerie populaire Vietnamienne (Tranh dân gian Việt Nam)” xuất bản tại Paris năm 1960 có đến 533 bức tranh dân gian tuyển chọn từ dòng tranh Đông Hồ đến Hàng Trống, trong số này có nhiều bức vẽ các trò chơi xuân, do chính người Việt sáng tác.

Thả diều. Ảnh Trịnh Sinh

Bên cạnh hai kho tranh của hai học giả Pháp còn nhiều bức nữa đang được tiếp tục sản xuất trong một số làng tranh như Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình hay đang được phục hồi như trong làng tranh Kim Hoàng. Đó thực sự là di sản quý của dân tộc.

Qua tranh dân gian, ta thấy được nhiều trò chơi xuân trong ngày lễ hội, trong các phong tục tập quán của người Việt. Như một hằng số, lễ hội mùa xuân nào cũng có các trò chơi như đánh đu mô tả đôi nam thanh nữ tú đang “Trai co gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”(thơ Hồ Xuân Hương). Chữ Hán Nôm trên tranh là “Đu đôi”. Một bên tranh còn có cảnh bắt chạch tả một thiếu nữ đang thò tay vào chum để bắt chạch, một thanh niên ngồi sau quàng hai tay vào ngực thiếu nữ rất tinh nghịch. Có một dàn treo các phần thưởng cuộc chơi như bàu rượu, quạt, xâu tiền đồng... Lại có cảnh một số người đứng xem. Bức tranh đẹp về mặt tạo hình, được làm trên giấy điệp.

Vợt bướm, chơi cá. Ảnh Trịnh Sinh

Một trò chơi nữa là đấu vật có cảnh đôi trai làng cơ bắp cuồn cuộn đang vật nhau, có cả trọng tài, người xem và cờ ngày hội. Trò kéo co trong tranh Hàng Trống có cảnh 10 thiếu niên chia làm hai tốp đang kéo co, trên thềm nhà có lẽ là thầy giáo đang ngồi quan sát. Tranh có màu đẹp, tả các gương mặt sinh động. Trò chơi bịt mắt bắt dê miêu tả đôi trai gái bịt mắt tranh nhau bắt một con dê. Ngoài hàng rào có đông người đứng ngồi xem. Cũng có hình cột treo giải thưởng xâu tiền đồng, khăn thêu... Người con gái đang giang tay, chân co chân duỗi trong tư thế động, người con trai dường như hăm hở như đang chuẩn bị vồ được dê.

Một trò nữa cũng diễn ra trong nhiều lễ hội là trò chọi trâu, cũng được tả trong tranh dân gian. Đôi trâu béo mập, đang ngoắc sừng vào nhau, thân được trang trí hình các khoáy trâu là một trong những tiêu chí chọn trâu khoẻ. Bên trên hai con trâu còn có hình cờ phướn.

Đánh đu, bắt chạch. Ảnh Trịnh Sinh

Một số trò chơi nữa cũng được tranh dân gian mô tả như trò chơi thả diều tả một chú bé ngồi trên lưng trâu đang nắm dây diều, dáng điệu khoan thai, trò “rồng rắn lên mây” 12 nhi đồng đang bám áo nhau tạo thành hình con rồng, tượng trưng cho sự hạnh phúc, con đàn cháu đống. Trò chơi nhảy dây tả một nhóm thiếu niên đang căng dây cho đôi nam nữ nhảy, dáng điệu sinh động. Trò chơi vợt bướm, bắt cá thể hiện cảnh hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình. Chữ Hán-Nôm trong tranh là “Nhất gia hoà khí, tử tôn hiền” (một nhà hoà thuận, con cháu hiền hậu). Đó cũng là mong ước của mỗi gia đình Việt Nam.

Những bức tranh dân gian Việt Nam không những “ghi chép” chân thực các khía cạnh cuộc sống người Việt trong đó có các trò chơi, mà còn là các tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, đúng như H. Oger đã nhận xét: “Tranh dân gian An Nam được trình bày dưới dạng tập hợp các màu mạnh, tương phản”. Đấy chính là vẻ đẹp độc đáo, mộc mạc như chính người dân nơi đây.

GIÁO SƯ TRỊNH SINH

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO