Những việc làm phi thường của 'thầy giáo triệu đô'

Đăng bởi : Hoa Nắng . Ngày : 2020-12-04 15:35:43
 

(vnexpress.ne) Ranjitsinh Disale, 31 tuổi, giáo viên tiểu học ở Ấn Độ giành giải thưởng giáo viên toàn cầu trị giá một triệu USD, sau khi tạo ra hàng loạt kỳ tích.

Tối 3/12, theo dõi lễ trao giải giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) được tổ chức online, nghe câu "Người chiến thắng giải thưởng năm nay là Ranjitsinh Disale đến từ Ấn Độ", Ranjitsinh vỡ òa sung sướng. Bố mẹ ngồi cạnh ôm chầm lấy anh.

Xúc động trong khoảng một phút, Ranjitsinh sau đó dành lời cảm ơn đến Varkey Foundation, đơn vị sáng lập giải thưởng, đồng thời cho biết sẽ chia sẻ 50% số tiền thưởng cho 9 giáo viên còn lại trong top 10 để "cùng làm những công việc phi thường, giúp đỡ nhiều học sinh hơn và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn".

Việc làm này của Ranjitsinh Disale chưa có tiền lệ trong lịch sử 6 năm giải thưởng giáo viên toàn cầu. Anh nhận được nhiều lời khen từ đồng nghiệp và mọi người khi theo dõi lễ trao giải.

Ranjitsinh Disale là giáo viên tiểu học nổi tiếng ở Ấn Độ. Năm 2009, khi đến làm việc tại trường Tiểu học Zilla Parishad, làng Paritewadi, thành phố Solapur, bang Maharashtra, anh rất ngạc nhiên. Khi đó, trường Zilla Parishad là tòa nhà cũ nát, kẹp giữa chuồng gia súc và nhà kho. Tỷ lệ nữ sinh trong làng đi học chưa đến 2%. Hầu hết số còn lại kết hôn ở tuổi vị thành niên.

Tìm hiểu chương trình dạy học, Ranjitsinh lại nhìn ra vấn đề khi nó không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ ở khu vực (tiếng Kannada). Điều này khiến nhiều học sinh không thể học. Quyết tâm "xoay chuyển tình thế", anh chuyển đến sống trong làng và nỗ lực học tiếng địa phương để thiết kế lại tất cả sách giáo khoa lớp 1-4 bằng tiếng mẹ đẻ của học trò.

Không chỉ dịch sách, Ranjitsinh còn mã hóa QR tất cả bài thơ, truyện, video bài giảng, bài tập bằng tiếng Kannada cho học sinh dễ học, có thể học ngay cả khi trường bị đóng cửa do Covid-19. Bằng cách phân tích phản ánh của học sinh, anh còn thay đổi nội dung, hoạt động, bài tập trong sách để tạo ra trải nghiệm học tập cá nhân hóa cho từng em.

Ranjitsinh Disale bên các học trò. Ảnh: Global Teacher Prize.

Những việc làm của Ranjitsinh đã đem lại kết quả "phi thường", theo đánh giá của Global Teacher Prize. Đến nay, làng Paritewadi không còn em nào kết hôn ở tuổi vị thành niên, 100% nữ sinh được đi học. Gần đây, trường Tiểu học Zilla Parishad được trao giải thưởng trường tốt nhất Solapur với 85% học sinh đạt điểm A trong các kỳ thi hàng năm. Một cô gái trong làng đã tốt nghiệp đại học - điều được xem như không tưởng trước khi Ranjitsinh đến.

Ranjitsinh sau đó tiếp tục tạo ra cuộc cách mạng trong việc sử dụng sách giáo khoa được mã hóa QR trên khắp Ấn Độ. Trường của anh là trường đầu tiên ở bang Maharashtra thí điểm thành công việc sử dụng sách QR. Năm 2017, sách giáo khoa được mã hóa QR được giới thiệu trên toàn bang cho tất cả lớp 1-12.

Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ đã yêu cầu Hội đồng quốc gia về nghiên cứu giáo dục và đào tạo (NCERT) nghiên cứu tác động của sách giáo khoa được mã hóa QR. Kết quả là năm 2018, Bộ trưởng Prakash Javdekar thông báo tất cả sách giáo khoa của NCERT sẽ được nhúng mã QR.

Không chỉ thành công trong việc giúp học sinh tiếp cận đầy đủ với sách giáo khoa, Ranjitsinh còn dạy học trò cách áp dụng bài học vào giải quyết các vấn đề thực tế đang phải đối mặt. Trường của anh đã giải quyết vấn đề sa mạc hóa khi nằm ở nơi khô hạn bằng cách tăng diện tích đất xanh từ 25% lên 33% trong 10 năm qua. Tổng 250 ha đất xung quanh ngôi làng của Ranjitsinh và các học trò thoát khỏi sa mạc hóa. Thành công này giúp trường của anh đoạt giải thưởng "Wipro Nature for Society" năm 2018.

Ranjitsinh Disale trở thành người truyền cảm hứng cho giáo viên khắp Ấn Độ. Ảnh: Global Teacher Prize.

Ranjitsinh cũng rất tâm huyết với việc kết nối người trẻ giữa các vùng xung đột. Dự án "Let’s Cross the Borders" (Hãy vượt qua biên giới) của anh đã kết nối những người trẻ từ Ấn Độ và Pakistan, Palestine và Israel, Iraq và Iran, Mỹ và Triều Tiên. Trong một chương trình kéo dài 6 tuần, học sinh được kết hợp với một người bạn từ quốc gia khác để chuẩn bị bài thuyết trình và lắng nghe diễn giả khách mời chia sẻ nhằm hiểu những điểm tương đồng giữa họ.

Đến nay, 19.000 học sinh, sinh viên đến từ 8 quốc gia tham gia chương trình này. Xa hơn nữa, Ranjitsinh dự định dành những ngày cuối tuần để đưa học sinh từ các trường học thiếu nguồn tài nguyên trên khắp thế giới đi tham quan theo hình thức "thực tế ảo" thông qua việc sử dụng nền tảng Cộng đồng giáo dục Microsoft.

Ranjitsinh còn nổi tiếng với việc thực hiện thí nghiệm khoa học từ nhà. Con số chính thức từ Microsoft cho thấy anh đã dạy hơn 85.000 học sinh tại hơn 1.400 lớp học ở 83 quốc gia thông qua những bài học trực tuyến.

Thầy giáo người Ấn Độ bày tỏ quyết tâm đảm bảo mọi thứ anh biết sẽ được truyền lại cho giáo viên khác. Trong các kỳ nghỉ hè, Ranjitsinh trực tiếp đào tạo cho hơn 16.000 giáo viên trên khắp bang Maharashtra về cách tăng cường giảng dạy bằng công nghệ.

Những gì Ranjitsinh Disale làm được gây ấn tượng mạnh với Giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella. Ông đã công nhận Ranjitsinh là một trong ba câu chuyện đến từ Ấn Độ trong cuốn sách "Hit Refresh" năm 2017 của mình.

Giải thưởng giáo viên toàn cầu - Global Teacher Prize được Varkey Foundation - quỹ từ thiện toàn cầu, sáng lập năm 2014. Năm nay, 12.000 ứng viên từ hơn 140 quốc gia đã gửi hồ sơ tới. Chỉ một giáo viên xuất sắc nhận được giải thưởng một triệu USD từ ban tổ chức.

Năm 2019, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi, nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế.

Trong lịch sử 6 năm của giải, Việt Nam có ba giáo viên được vinh danh là cô Hà Ánh Phượng (trường THPT Hương Cần, Phú Thọ) lọt top 10 năm nay, cô Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) top 50 năm ngoái, thầy Ngô Thành Nam (khi đó là giáo viên trường Vinschool) top 50 năm 2018.

Dương Tâm (Theo Global Teacher Prize)

TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO

qc-chanweb
addRight