Nghề kinh doanh tiền

Đăng bởi : Thùy Trang . Ngày : 2020-11-14 01:32:38
 

Tôi luôn nghĩ làm ngân hàng là nghề đặc biệt, bán hàng xong nhưng giao dịch chỉ mới bắt đầu.

Bởi sau khi đưa tiền cho khách vay, hay nhận tiền khách gửi, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng vẫn phải hồi hộp dõi theo. Chỉ khi khách vay kinh doanh tốt mới có khả năng trả tiền gốc lẫn lãi. Còn với tiền khách gửi vào, chúng tôi phải sử dụng sao cho có lời mà trả lại họ. Vì vậy, bên cạnh việc tỉnh táo chọn lọc khách hàng, chúng tôi còn phải chọn đúng người để tuyển dụng. Chất lượng con người nhiều năm qua vẫn luôn là điểm nóng của những nhà băng.

Có thời gian tôi phải suy nghĩ nhiều về một nhân viên của mình. Cậu ấy trẻ, sáng láng, nhiệt huyết, rất có năng lực. Cậu vào ngân hàng từ ngày ra trường, đã được đào tạo nhiều khóa vì nằm trong quy hoạch bổ nhiệm. Đùng một cái, cậu bị phát hiện có vấn đề không minh bạch liên quan đến tiền với ngân hàng và cả khách hàng. Thậm chí, với tư cách một người của ngân hàng, cậu còn vay thêm các khách hàng bên ngoài cho mục đích cá nhân.


Ông Nguyễn Đình Tùng hiện là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông. Ông có hơn 28 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Tôi đã bị sốc thực sự. Một thanh niên trẻ, đang có công việc không tệ, mức lương khá cao nên cũng phong lưu, được lãnh đạo tin cậy và cũng chẳng thiếu tiền. Vậy tại sao cậu thay đổi từ hành vi đúng sang sai dễ dàng và nhanh đến thế. Hơn 28 năm làm nghề, tôi biết tại các tổ chức tài chính có không ít trường hợp nhân viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ranh giới giữa giao dịch tốt và xấu rất mong manh. Nhưng tôi vẫn bất ngờ khi biết có những người đang rất "ổn" mà tự dưng ngày mai trở thành "có chuyện". Số nhiều các vụ việc được phát giác kịp thời nên không phải khi nào cũng gây hậu quả cho nhà băng, song luôn khiến người điều hành chúng tôi lo lắng.

Với cậu nhân viên sáng láng kia, tôi đã thắc mắc vì sao quân của mình lại "hư" nhanh thế, liều lĩnh hơn thế hệ mình hồi xưa. Nhưng nhìn ra ngoài xã hội, tôi thấy có lẽ vì cuộc đua làm giàu ngày càng tăng tốc, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, càng sâu. Trong một nhóm người, đột nhiên có người mua nhà sắm xe cũng có thể khiến người còn lại bị kích thích và sốt ruột. Bị kích thích cũng tốt bởi đó là động lực để người ta làm việc, cống hiến. Nhưng cũng vì sốt ruột quá khiến họ đi sai cách để có tiền mau chóng như cá độ, môi giới đảo nợ, không thành thật trong làm ăn... Với doanh nghiệp, tổ chức, có thể gọi chung là rủi ro đạo đức.

Nhìn lại các vụ án lớn trong ngành ngân hàng, tuy có nhiều lý do nhưng một nguyên nhân quan trọng là có thời gian ngành này đã phát triển rất nóng. Trong bối cảnh đó, rất nhiều cán bộ đã không kịp tiếp thu kiến thức và rèn luyện "độ chín" cả về nghề lẫn bản lĩnh. Vì thế, ngoài tiêu cực xảy ra vì lòng tham cũng có nhiều trường hợp do người ta không biết, không nhận thức hết những việc mình làm. Khi không ý thức đầy đủ, con người ta dễ bị cuốn theo những chào mời.

Giới tài chính chúng tôi vẫn bảo nhau, suy cho cùng câu hỏi lớn nhất vẫn là chất lượng con người. Người đầu bếp giỏi có thể chế biến món ăn rất ngon, nhưng không thể kiểm soát hết nguyên liệu vì họ không trực tiếp trồng mớ rau, nuôi con cá. Nếu chẳng may đi chợ mà rơi vào vùng nguyên liệu xấu, khó mà tránh được thực phẩm bẩn, món ăn không đảm bảo chất lượng.

Trước kia, người ta hô hào phải tìm những người giỏi nhất vào công ty, nay thì tìm người phù hợp nhất mới quan trọng. Khi tuyển dụng, chúng tôi luôn tìm hiểu xem tính cách, thái độ của người đó có phù hợp với vị trí công việc; thái độ sống, thái độ làm việc của ứng viên có phù hợp với các giá trị của ngân hàng hay không. Kiến thức của một người có thể bồi đắp nhưng thái độ rất khó thay đổi.

Rủi ro đạo đức xảy ra không phải vì hành lang pháp lý của ngân hàng bị thiếu, nếu không nói là các quy trình và quy định ngày càng khắt khe không thua gì thế giới. Song thực tế, không riêng với ngân hàng, chẳng có giải pháp kỹ thuật, công nghệ nào có thể thay thế 100% con người. Dù anh có quy trình hay hệ thống kiểm soát "bằng trời" cũng không thể bỏ qua yếu tố phẩm chất. Và thậm chí có những việc anh không thể nào kiểm soát vì buộc phải tin nhau.

Để tăng cường bảo vệ sự liêm chính, chúng tôi đã phải ra các quy trình, quy định gây rất mất thời gian cho nhân viên nhưng không thể không có. Và dù đã có các quy trình nội bộ mà tôi biết nó cũng phiền phức, song chúng tôi phải xác định nếu không tin một người, anh phải tin hai người, nhóm người. Bởi nếu cứ chăm chăm kiểm soát lẫn nhau thì chúng ta không thể làm gì được, nếu không tin nhau thì làm sao tổ chức vận hành? Con người là đối tượng khó quản lý nhất. Khi tuyển dụng anh có kiểm chứng ra sao cũng chưa thể hiểu hết mà vẫn phải qua trải nghiệm thực tế. Mà thực tế, có những nhân viên rất giỏi, rất đáng quý nhưng đôi khi vẫn làm mình đau đầu.

Nhiều người vẫn cho rằng làm ngân hàng dễ kiếm tiền, nhưng thực tế, lương khởi điểm của nhân viên ngân hàng không cao, chỉ tầm 5 đến 7 triệu đồng rồi sau đó mới được nâng dần theo năm tháng. Tôi luôn tâm niệm, ai muốn kiếm tiền nhanh, vượt quá năng lực của mình thì rất dễ gây hậu quả. Nếu ai đó nghĩ rằng vào ngân hàng để làm giàu, theo tôi, họ nên đi tìm nghề khác.

Rủi ro đạo đức đến từ thái độ và nhân sinh quan chưa đúng. Song tôi cũng cho rằng nhân viên sai phạm có lỗi của lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không rèn giũa nhân viên đủ nhiều, không chứng minh tính bảo vệ của tổ chức đối với nhân viên khi họ gặp rủi ro, không bảo vệ những nhân viên làm đúng, người đó không đáng được nhân viên tin cậy. Bởi khi thế giới càng loạn lạc, người ta càng chọn ở lại chốn bình yên.

Theo VnExpress

There are no comments yet.
Yêu cầu xác thực

Bạn phải đăng nhập để viết bình luận.

Đăng nhập
;
TIN CHUYÊN MỤC LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO